Cán bộ sa ngã bởi những "viên đạn bọc đường"

07/06 16:22
 

Từ chủ trương của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, nhiều cán bộ tham nhũng, tiêu cực đã bị...

Từ chủ trương của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, nhiều cán bộ tham nhũng, tiêu cực đã bị xử lí, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy nhiều cán bộ đã bị “ma lực” của đồng tiền cám dỗ và bị gục ngã trước những “viên đạn bọc đường”.

Ma lực của đồng tiền khiến nhiều cán bộ “dính chàm”

Trong phiên thảo luận về báo cáo giám sát liên quan tới công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) phải thốt lên, cảm thán: “Có những cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt của Công ty Việt Á trong tổ chức cơ sở sản xuất kit test thật đau đớn, thật đáng lên án và sự trả giá là quá đắt, quá lớn”.

Cái giá quá đắt ở đây bởi quá nhiều cán bộ đã “lầm đường, lạc lối”, không làm chủ được chính mình trước cạm bẫy của tiền bạc để sa vào lao lí do tham nhũng, tiêu cực.

Đến đầu tháng 5.2023, theo báo cáo của Bộ Công an, các cơ quan điều tra đã khởi tố 30 vụ án, 107 bị can - liên quan tới vụ án Việt Á về mua kít test xét nghiệm. 

Một đại án khác trong bối cảnh phòng, chống dịch đó là vụ “chuyến bay giải cứu”. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “đưa và nhận hối lộ”, khởi tố nhiều lãnh đạo, cán bộ, công chức có liên quan ở Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế và một số địa phương.

Đến ngày 3.4.2023, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với 54 bị can về 5 hành vi phạm tội (gồm: đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản).

Nhiều quan chức cấp cao đã dính vòng lao lí như cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng; cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam... vì liên quan tới tham nhũng, tiêu cực.

Hay từ cuối năm 2022, hàng loạt sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, các trung tâm đăng kiểm đường thủy và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã bị phơi bày thông qua các hành vi nhận hối lộ khi các chủ phương tiện đi đăng kiểm. Đến đầu năm 2023, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã đưa vụ án vào diện theo dõi và điều tra. Đến nay, cơ quan thực thi pháp luật đã khám xét và khởi tố, bắt giam gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ với nhiều tội danh khác nhau.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội - cho hay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: Cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách, thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, của cải vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân nên càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng. 

“Do đó, nếu không nhận thức sâu sắc điều này, nếu cán bộ, đảng viên không tích cực và kiên trì rèn luyện và học tập thì rất dễ bị thoái hóa, biến chất. Đó chính là những “viên đạn bọc đường” làm gục ngã cán bộ” - ông Tiến nói.

Mở rộng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra khu vực ngoài nhà nước

Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương - cho hay, nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Ông Hà phân tích, các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhận định rõ, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng vai trò quan trọng, đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước, đóng góp lớn trong việc giải quyết công ăn, việc làm, đóng góp rất lớn trong hoạt động an sinh, xã hội, từ thiện… Tuy nhiên, liên quan tới hoạt động của khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã bộc lộ, chứa đựng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tổn hại tới cả hệ thống chính trị. Do đó, Đảng ta đã ban hành những quy định kịp thời để đấu tranh hiệu quả với công tác PCTNTC ở khu vực này.

Đầu năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nhiều điểm nhấn rất quan trọng. Trong đó, Kết luận 12-KL/TW nhấn mạnh từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước...

Cán bộ bị những “viên đạn bọc đường” công phá, gục ngã

“Khi bước vào cơ chế thị trường, bên cạnh những điểm tích cực thì nhiều cán bộ đã không làm chủ được chính mình, bị những “viên đạn bọc đường” công phá, gục ngã” - ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nói.

Đọc bài gốc tại đây.