Cảnh sát giao thông làm đúng chức trách thì không sợ người dân giám sát

29/03 06:03
 

Bộ Công an cho rằng việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng Cảnh sát giao thông có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy...

Bộ Công an cho rằng việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng Cảnh sát giao thông có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định.

Bộ Công an đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28.11.2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tại tờ trình sửa đổi Thông tư, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, qua hơn 4 năm thực hiện, Thông tư số 67/2019/TT-BCA đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, phát sinh nhiều bất cập, thể hiện ở việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng Cảnh sát giao thông có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định.

Một số người lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông và chia sẻ lên mạng xã hội dẫn đến tư tưởng ngại va chạm, thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Do đó, Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung thông tư này là cần thiết. Tuy vậy, sự “cần thiết” này lại đang gây nhiều băn khoăn cho người dân.

Trước hết, phải nhìn nhận những “lùm xùm” trong câu chuyện giám sát của người dân với Cảnh sát giao thông, một phần lỗi - như thừa nhận của Cục Cảnh sát giao thông trong tờ trình - đó là việc một bộ phận cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông chưa chịu khó học tập, nghiên cứu tài liệu, chưa gắn việc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với việc thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn được giao, do vậy khi làm việc trực tiếp với nhân dân chưa nắm được pháp luật, nghiệp vụ, dẫn đến quá trình xử lý tình huống chưa giải thích thỏa đáng những yêu cầu, hỏi đáp của nhân dân.

Vấn đề nữa, như lời của đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) phát biểu khi có ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sửa đổi) trong phiên họp ngày 27.3 là yếu tố “lạm dụng quy định của luật".

Đại biểu đề xuất rằng “khi áp dụng luật, các cơ quan chức năng (Cảnh sát giao thông) cần tránh lạm dụng quy định của luật để xử phạt, kiểm tra gây sự phản cảm của người dân đối với lực lượng chức năng. Vừa qua trên mạng xã hội đã đưa rất nhiều hình ảnh trong dịp Tết mà lực lượng chức năng đi vào vùng nông thôn để kiểm tra nồng độ cồn rồi xử phạt”.

Trở lại với chuyện sửa đổi, bổ sung Thông tư số 67/2019/TT-BCA. Nếu Thông tư sửa đổi, bổ sung theo hướng hạn chế đi quyền giám sát của người dân, thì việc “thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” sẽ bị đe dọa.

Thông tư 67 đã quy định rất rõ là công dân có quyền giám sát Cảnh sát giao thông nhưng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và không gây cản trở công việc của Cảnh sát giao thông.

Vậy nên, nếu phát hiện có công dân nào lợi dụng quyền giám sát, giám sát sai quy định pháp luật, gây cản trở Cảnh sát giao thông thi hành công vụ thì cứ đề xuất cơ quan chức năng theo luật hiện hành mà xử lý thật nghiêm. Vậy mới là dân chủ!

Ở chiều ngược lại, nếu lực lượng Cảnh sát giao thông ai cũng “chịu khó học tập, nghiên cứu tài liệu”, làm việc đúng chức trách nhiệm vụ, công tâm, minh bạch… thì không việc gì phải sợ, lo lắng khi người dân giám sát mình!

Đọc bài gốc tại đây.