Từ ngày 1/7/2026, xe máy chạy xăng sẽ bị cấm lưu thông trong khu vực vành đai 1 không chỉ là một quyết định hành chính, mà còn thể hiện tầm nhìn của Hà Nội: Chuyển mình mạnh mẽ thành một đô thị xanh, bền vững và thực sự đáng sống.
Cần lộ trình thích nghi khi cấm xe máy xăng ở vành đai 1 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Nga) |
Hiện nay, Hà Nội đang đứng trước một bước chuyển mình lịch sử với chủ trương: Từ ngày 1/7/2026, xe máy chạy xăng sẽ bị cấm lưu thông trong khu vực vành đai 1. Lộ trình này sẽ tiếp tục mở rộng, hạn chế ô tô cá nhân chạy xăng dầu tại các tuyến đường trong vành đai 1 và 2 từ năm 2028, đến năm 2030 sẽ vươn tới vành đai 3, hướng tới chấm dứt xe cá nhân chạy xăng ở trung tâm đô thị. Đây không chỉ là một quyết định hành chính, mà là một tuyên bố mạnh mẽ về tầm nhìn của Hà Nội: Chuyển mình thành một đô thị xanh, bền vững và thực sự đáng sống.
Quyết định này xuất phát từ những vấn đề cấp bách mà Hà Nội, cũng như nhiều đô thị lớn khác trên thế giới đang phải đối mặt như ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ùn tắc giao thông triền miên, tiếng ồn đô thị. Hàng triệu phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy chạy xăng là một trong những nguyên nhân chính gây ra những thách thức này, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và chất lượng cuộc sống.
Việc loại bỏ dần xe chạy xăng khỏi trung tâm thành phố là một bước đi quyết đoán nhằm giảm thiểu khí thải độc hại, cải thiện chất lượng không khí, giảm tiếng ồn và tạo không gian đô thị thông thoáng hơn. Một Hà Nội không khói bụi, không tiếng còi xe inh ỏi, với những con phố xanh mát và không khí trong lành là giấc mơ không chỉ của người dân Thủ đô mà còn là hình ảnh mà Việt Nam muốn xây dựng trong mắt bạn bè quốc tế. Đó là một thành phố không chỉ phát triển kinh tế mà còn chú trọng đến môi trường sống, đến sức khỏe và hạnh phúc của người dân.
"Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 cấm xe máy sử dụng động cơ xăng trong nội đô. Đây được xem là chủ trương chiến lược nhằm cải thiện chất lượng không khí, nâng cao đời sống đô thị mà còn thể hiện trách nhiệm quốc gia của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải ròng (Net Zero)". |
Tuy nhiên, như mọi sự thay đổi lớn, chủ trương này cũng vấp phải những mối lo ngại chính đáng. Một trong số đó là tác động đến người nghèo và người lao động phổ thông, những người phụ thuộc rất lớn vào xe máy chạy xăng để mưu sinh. Đối với họ, chiếc xe không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là công cụ kiếm sống, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày hay còn gọi là "cần câu cơm". Việc cấm đột ngột có thể đẩy họ vào thế khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế, có thể gặp khó khăn khi thay đổi và thích ứng.
Nhưng cần thấy rõ, chủ trương này không được thực hiện đột ngột mà có một lộ trình dài đến năm 2030. Đây là một khoảng thời gian đủ để người dân, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương, có thể thích nghi, chuyển đổi phương tiện hoặc tìm kiếm các giải pháp thay thế. Trong thời gian này, các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện, ưu đãi cho phương tiện công cộng... cần được nghiên cứu và triển khai kịp thời để giảm thiểu tác động tiêu cực, đảm bảo tính công bằng xã hội.
Mối lo ngại lớn khác là hệ thống giao thông công cộng hiện tại của Hà Nội chưa đủ mạnh để thay thế hoàn toàn xe cá nhân, nhiều người cho rằng, phải chờ hạ tầng hoàn thiện rồi mới nên cấm. Và vì vậy, đây được xem là "cú hích" cần thiết để hạ tầng phát triển.
Vành đai 1 sẽ cấm xe máy chạy xăng từ tháng 7/.2026. (Nguồn: Bộ Xây dựng) |
Khi không còn lựa chọn nào khác, thành phố Hà Nội sẽ buộc phải đầu tư mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn vào việc hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng. Áp lực từ nhu cầu đi lại của người dân sẽ trở thành động lực mạnh mẽ để đẩy nhanh tiến độ các dự án metro, mở rộng mạng lưới xe bus điện, phát triển các tuyến minibus nội đô linh hoạt, tích hợp hệ thống vé điện tử thông minh và xây dựng các tuyến trung chuyển hợp lý, thuận tiện; xây dựng mô hình giao thông đa phương tiện hiệu quả. Cấm không phải là điểm cuối mà là điểm khởi đầu cho một cuộc cách mạng về giao thông công cộng, buộc các nhà quản lý phải hành động nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Việc chuyển đổi sang đô thị xanh không chỉ dừng lại ở việc cấm xe xăng. Nó còn là cơ hội để thay đổi thói quen và văn hóa giao thông của người dân. Khi phương tiện công cộng phát triển, người dân sẽ dần quen với việc đi bộ, đi xe đạp, sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng một lối sống lành mạnh và bền vững hơn.
Chúng ta từng chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của nhiều thành phố lớn trên thế giới như Paris (Pháp), London (Anh), hay Seoul (Hàn Quốc)... khi họ quyết tâm chuyển mình theo hướng phát triển bền vững. Họ cũng từng đối diện với những lo ngại tương tự nhưng bằng chính sách kiên định và đầu tư bài bản, họ đã tạo nên những đô thị hiện đại, ít khói bụi hơn, ít tiếng ồn hơn, có chất lượng sống tốt hơn cho người dân.
Như vậy, chủ trương cấm xe máy chạy xăng ở trung tâm Hà Nội là một bước đi quyết đoán và cần thiết để Thủ đô chuyển mình thành một đô thị xanh, hiện đại và đáng sống. Dù có những thách thức ban đầu nhưng với lộ trình rõ ràng và sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp lãnh đạo cùng sự ủng hộ của người dân, lệnh cấm này sẽ trở thành "cú hích" mạnh mẽ, tạo tiền đề cho một kỷ nguyên phát triển mới của Hà Nội – một thành phố phồn vinh, hạnh phúc và bền vững.
Việc Hà Nội mạnh dạn áp dụng lệnh cấm xe chạy xăng ở khu vực trung tâm không chỉ là hành động vì môi trường, mà còn là thể hiện tầm nhìn quản trị mới dám đối mặt với khó khăn để hướng đến tương lai bền vững. Tất nhiên, đi kèm với chính sách này, thành phố cần chú trọng các biện pháp hỗ trợ người dân thu nhập thấp, như ưu đãi mua xe điện, trợ giá giao thông công cộng, hay triển khai chương trình đổi xe máy cũ lấy phương tiện xanh…
Không có sự thay đổi nào là dễ dàng, nhất là khi nó động chạm đến thói quen lâu năm của con người, xã hội. Nhưng nếu muốn Hà Nội thực sự trở thành một đô thị đáng sống – nơi không khí sạch hơn, đường phố bớt tắc nghẽn hơn, con người được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh hơn thì việc cấm xe cá nhân chạy xăng không phải là điều cần né tránh, mà cần được thúc đẩy với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm hành động.
Đọc bài gốc tại đây.