Cần làm gì khi bị vay tiền qua mạng xã hội rồi "bùng"?

19/04 06:30
 

Nhiều người cho biết, vì tin tưởng đã cho bạn bè vay tiền qua mạng xã hội. Tuy nhiên sau đó, người này lại không trả nợ đúng hẹn, chặn...

Nhiều người cho biết, vì tin tưởng đã cho bạn bè vay tiền qua mạng xã hội. Tuy nhiên sau đó, người này lại không trả nợ đúng hẹn, chặn Facebook, không liên lạc được.

Năm 2018, người bạn cũ học cùng lớp cấp 3 nhắn tin cho chị Nguyễn Thị Hằng (28 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) qua Facebook để vay 3,5 triệu đồng. Người bạn này hứa với chị Hằng đúng 1 tháng sau sẽ trả nợ.

Vào đúng ngày hẹn, chị Hằng không thấy người bạn này chuyển tiền nên đã chủ động nhắn tin. Người này sau đó xin khất hẹn, hứa khoảng 2 tháng sau sẽ chuyển tiền.

Tuy nhiên, khoảng thời gian sau đó, người này không còn hoạt động trên Facebook. Toàn bộ tin nhắn chị Hằng gửi đi cho người này cũng không thể ấn vào xem; liên hệ với người bạn này qua số điện thoại cũng không được.

"Đến nay đã 6 năm trôi qua, tôi vẫn chưa nhận được lại số tiền đó" - chị Hằng nói.

Chị Nguyễn Thị Hằng không phải trường hợp duy nhất rơi vào tình huống này. Nhiều độc giả cho biết, vì tin tưởng đã cho người thân, bạn bè vay tiền qua mạng xã hội, tuy nhiên sau đó lại không thể đòi được tiền và cũng đành "ngậm đắng nuốt cay" vì không có giấy tờ vay nợ.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật - cho hay, theo Điều 494, Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng mượn tài sản là việc một bên (bên có tài sản) giao cho bên còn lại (bên được mượn tài sản) tài sản thuộc sở hữu của mình mượn một thời gian. Khi hết thời hạn hoặc khi mục đích mượn đã đạt được thì phải trả lại tài sản đó.

Cũng tại bộ luật này, hợp đồng mượn tài sản là một trong các loại hình của giao dịch dân sự. Căn cứ Điều 119, Bộ luật Dân sự, giao dịch dân sự được thể hiện bằng các hình thức dưới đây: Lời nói, văn bản, hành vi cụ thể.

Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

Thông điệp dữ liệu có thể gồm chứng từ điện tử, email, fax, điện tín, điện báo hoặc các hình thức khác.

“Hợp đồng mượn tài sản trong đó có hợp đồng mượn tiền không bắt buộc phải lập bằng văn bản giấy. Do đó, hợp đồng này hoàn toàn được thể hiện dưới dạng lời nói, văn bản hay hành vi cụ thể. Trong đó, mượn tiền qua tin nhắn cũng được coi là một dạng của hợp đồng mượn tài sản với hình thức là thực hiện quan phương tiện điện tử - một dạng của văn bản. Do đó, hoàn toàn có thể mượn tiền qua tin nhắn và tin nhắn cho mượn tiền hoàn toàn được xem là hợp đồng mượn tài sản” - Luật sư Bình thông tin.

Ngoài ra, việc cho vay tiền qua tin nhắn thường sẽ cho vay bằng hình thức chuyển khoản thông qua tài khoản ngân hàng. Do đó, trong trường hợp này, người dân có thể tiến hành thực hiện thủ tục sao kê tài khoản ngân hàng hoặc một số các chứng cứ khác chứng minh việc đã chuyển tiền và bên vay đã nhận được tiền chuyển khoản.

Cũng theo Luật sư Bình, do tin nhắn mượn tiền vẫn được xem là một trong các hình thức của hợp đồng mượn tiền nên theo Khoản 3, Điều 496, Bộ luật Dân sự năm 2015, người mượn tiền phải có nghĩa vụ trả lại số tiền đã mượn đúng thời hạn thỏa thuận.

Nếu hai bên không có thỏa thuận về vấn đề này thì người mượn tiền phải trả lại ngay số tiền cho người cho mượn sau khi mục đích mượn đã đạt được. Ngược lại, nếu người mượn không trả nợ dù mượn qua tin nhắn hay lập hợp đồng thì người cho mượn hoàn toàn có quyền khởi kiện để đòi nợ bởi quyền lợi của người cho mượn tiền trong trường hợp này đã bị xâm phạm.

Đọc bài gốc tại đây.