Cần đặt quan hệ Việt - Mỹ trong bức tranh chung

12/07 17:10
 

Quan hệ Việt - Mỹ trong 30 năm qua cũng có lúc thăng lúc trầm, nhất là khi nói tới một vài lĩnh vực cụ thể và tại một vài thời điểm cụ thể.

"Tuy nhiên xét tới vị thế của một nước lớn như Mỹ cũng như xét tới lịch sử rất không dễ dàng mới cách đây chưa lâu giữa chúng ta với Mỹ, nhìn tổng thể, xu hướng chung của quan hệ Việt - Mỹ là đi lên. Đó lại là thêm một trong những điều quan trọng nữa làm nên sự đặc biệt của mối quan hệ này" - ông Bùi Thế Giang, nguyên vụ trưởng Vụ Tây Âu - Bắc Mỹ (Ban Đối ngoại Trung ương Đảng) - nhận định với Tuổi Trẻ nhân dịp kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ vào ngày 11-7.

Tầm nhìn của Việt Nam

Chỉ hai tuần khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27-1-1973, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định thành lập Văn phòng Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP). Theo đó Việt Nam đơn phương tổ chức việc tìm kiếm những binh sĩ Mỹ được coi là "mất tích" khi tham chiến tại Việt Nam mà không đặt điều kiện gì với Washington.

"Ai cũng thấy rõ rằng đó là một hành động đầy tính nhân đạo và nhân văn của Việt Nam, nhất là khi nghĩ tới những mất mát về con người và những tàn phá khủng khiếp về vật chất mà cuộc chiến gây ra cho con người và đất nước Việt Nam, nhưng đồng thời ai cũng có thể hiểu rằng đó là một phần trong nỗ lực rất lớn và chủ động của Việt Nam để kéo Mỹ đi vào bình thường hóa quan hệ", ông Bùi Thế Giang nói.

  • 3 cựu đại sứ Mỹ chia sẻ về 30 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ

Suốt 15 năm, từ 1973 đến 1988, Việt Nam đơn phương triển khai tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA). Mãi đến năm 1988, Mỹ mới bắt đầu "vào cuộc", cùng tham gia tìm người Mỹ mất tích ở Việt Nam, đồng thời trao trả hồ sơ và chứng tích liên quan đến bộ đội Việt Nam mất tích dù mức độ còn hạn chế.

"Nói lại khởi đầu ấy để thấy rằng hai bên đến với nhau một cách dè dặt, rất thận trọng. Nhưng nếu nói về tính chủ động, dường như Việt Nam chủ động nhiều hơn. Và như vậy, điều này lại một lần nữa minh chứng cho sự quyết đoán, tầm nhìn của Việt Nam trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ với cựu thù nói riêng", ông Giang nhận định.

Sau hơn nửa thế kỷ, Việt Nam đến nay đã bàn giao cho Mỹ hơn 1.000 bộ hài cốt và giúp Mỹ nhận dạng hài cốt của 740 quân nhân Mỹ tử trận và đưa trở về với gia đình của họ. Từ phía Mỹ, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Texas Tech và nhiều cựu chiến binh đã chuyển cho các cơ quan chức năng và gia đình thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh Việt Nam nhiều tư liệu, tài liệu giúp công tác tìm kiếm bộ đội hy sinh trong thời gian chiến tranh.

Những nỗ lực trong vấn đề này của hai bên, đặc biệt là từ phía Việt Nam, đã được ghi nhận trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9-2023, nhân chuyến thăm của tổng thống Mỹ khi đó là ông Joe Biden.

"Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Mỹ trong khắc phục hậu quả chiến tranh, coi đây là ưu tiên trong quan hệ hai nước, giúp xây dựng lòng tin và tăng cường hiểu biết lẫn nhau...

Tổng thống Biden bày tỏ sự biết ơn của nhân dân Mỹ đối với sự hỗ trợ lâu dài của Việt Nam trong việc tìm kiếm thông tin và hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh" - Tuyên bố chung năm 2023 nhấn mạnh.

Đặc biệt và tích cực

  • Tương tác giữa các lãnh đạo cấp cao cho thấy chất lượng của quan hệ Việt - MỹĐỌC NGAY

Nhìn lại quan hệ Việt - Mỹ sau 30 năm, ông Bùi Thế Giang nhấn mạnh hai từ "đặc biệt" và "tích cực". 

Theo ông Giang, một trong những ví dụ cụ thể gần đây chính là việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đạt được thỏa thuận đầu tiên về thuế quan với Việt Nam và Anh trong "cuộc chiến thuế quan" nóng bỏng, đã và đang thu hút sự quan tâm, chú ý và những cố gắng đàm phán của cộng đồng thế giới với Mỹ.

"Tất nhiên với một vị tổng thống xuất thân từ doanh nghiệp, luôn tư duy theo lối đặt lợi ích lên hàng đầu và không ngừng đưa ra những tuyên bố theo kiểu đặt điều kiện với các đối tác, việc Mỹ đạt được thỏa thuận về thuế quan với ta không hề là ngẫu nhiên, lại càng không có nghĩa rằng các cuộc đàm phán đã diễn ra đơn giản, nhẹ nhàng, vui vẻ", ông Giang nhấn mạnh.

Ông Bùi Thế Giang bày tỏ niềm tin mạnh mẽ vào tương lai của quan hệ hai nước: "Nói đến tương lai, trước tiên phải nói đến vai trò của giới lãnh đạo, của những nhà hoạch định chính sách, những người quyết định hướng đi của quan hệ giữa các quốc gia với nhau. 

Nhưng đồng thời lại cũng cần nhớ rằng nền tảng vững chắc của mối quan hệ này còn nằm ở các lực lượng ngoài chính phủ. Đó là người dân, là học giả, là khu vực các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, và cả cộng đồng bà con Việt kiều. Đây đều là những khu vực cử tri rất quan trọng có tác động tới việc hình thành và thực hiện chính sách, chiến lược và quan hệ của Mỹ với Việt Nam".

Ông Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các cuộc tiếp xúc cấp cao.

Theo ông, trong tình hình thế giới cực kỳ phức tạp và khó khăn hiện nay, những cuộc trao đổi không chỉ là nơi để chúng ta chuyển tải những thông điệp chính trị, chiến lược của ta mà còn là cơ hội để phía đối tác cảm nhận rõ hơn về tình người, về chất con người, về tính nhân văn và về bản chất "có trước có sau" của dân tộc Việt Nam ta.

Kiên trì nhìn nhận vai trò của Mỹ

Ông Bùi Thế Giang cho rằng điều rất cốt yếu trong quan hệ Việt - Mỹ thời gian tới là tiếp tục kiên trì sự nhìn nhận về vai trò, vị trí và ảnh hưởng nước Mỹ đối với chính trị, kinh tế, thương mại, tài chính và khoa học - công nghệ toàn cầu, bất chấp những diễn biến có thể không thuận lợi hiện nay trong và ngoài nước Mỹ.

Bất kỳ sự nhầm lẫn nào trong đánh giá về nước Mỹ với chính trường Mỹ tại một thời điểm cụ thể, và bất kỳ sự dao động nào trong định vị nước Mỹ trên thế giới, sẽ đều có thể khiến chúng ta vô tình để "tuột tay" những cơ hội lớn về lâu dài.

Ngược lại, cần luôn chú ý đặt quan hệ Việt - Mỹ trong bức tranh chung, tổng quan về hội nhập quốc tế mà - như nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24-1-2025 của Bộ Chính trị đã nêu - "Hội nhập quốc tế trong tình hình mới là "quyết sách đột phá", là "động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới"".

Đây là căn nguyên để trong điện mừng gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân dịp kỷ niệm 249 năm Quốc khánh Mỹ và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ, các lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã tái khẳng định Việt Nam nhất quán coi Mỹ là một trong những đối tác có tầm quan trọng chiến lược. 

Đồng thời Việt Nam sẵn sàng cùng Mỹ tiếp tục đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện phát triển hiệu quả, thực chất, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Sự thay đổi trong cộng đồng Việt kiều

Ông Bùi Thế Giang chỉ ra sự thay đổi "một trời một vực" trong cộng đồng Việt kiều tại Mỹ chỉ trong thời gian ba thập niên qua, thể hiện cụ thể nhất qua việc nhiều nhân vật có vị trí, có tầm ảnh hưởng và từng có định kiến nặng nề về chính trị đã trở lại thăm đất nước, có những phát biểu và việc làm đóng góp tích cực vào quá trình hàn gắn vết thương quá khứ, hướng tới tương lai, và thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ.

Ông Giang cũng chia sẻ nhiều người trong giới ngoại giao Mỹ từng tâm sự coi việc được cử sang Việt Nam công tác nhiệm kỳ là niềm vui, là điều may mắn đối với họ.

Đọc bài gốc tại đây.