Cựu trưởng phòng Cục Đăng kiểm nhận hối lộ 2,8 tỉ đồng bị truy tố, xét xử vắng mặt

06/05 17:20
 

Bị can Đỗ Trung Học (cựu trưởng phòng tàu sông Cục Đăng kiểm Việt Nam) được xác định nhận hối lộ hơn 2,8 tỉ đồng để cấp thông báo năng lực cho 38 cơ sở đóng tàu tại Long An.

Ngày 6-5, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã tống đạt cáo trạng đến các bị can trong vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Trung tâm Đăng kiểm, Chi cục Đăng kiểm tại TP.HCM và các địa phương khác.

Cựu trưởng phòng tàu sông Cục Đăng kiểm bị truy nã

Trong số 254 bị can bị Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM truy tố, ông Đỗ Trung Học (63 tuổi, cựu trưởng phòng tàu sông Cục Đăng kiểm Việt Nam) được xác định đã xuất cảnh ra nước ngoài từ cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài vào ngày 17-2-2023 (trước thời điểm khởi tố bị can).

Hiện không xác định được đang ở đâu nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định truy nã đối với ông Học.

  • Nhà thầu lắp đặt thiết bị đăng kiểm ‘chung chi’ hơn 14 tỉ đồng

  • Đăng kiểm viên viết phần mềm chỉnh sửa dữ liệu, mới thu lợi 44 triệu thì bị lộ

  • Tố giác đăng kiểm viên nhận hối lộ, phó giám đốc trường dạy lái xe được miễn tội

Quyết định truy nã này được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại địa phương nơi ông Học đăng ký thường trú (quận Ba Đình, TP. Hà Nội).

Cơ quan điều tra cũng đã phát thư kêu gọi ông Học ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, chỉ định luật sư bào chữa, giao các quyết định tố tụng cho luật sư và thân nhân của ông Học để thông báo cho ông Học.

Quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã tổ chức nhận dạng, trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết của ông Học trên các hồ sơ thẩm định.

Do đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận và xã hội quan tâm nên đối với trường hợp của ông Học, cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng đầy đủ các biện pháp để đảm bảo thực hiện quyền bào chữa theo quy định. 

Trường hợp ông Học không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và bị truy tố, xét xử vắng mặt để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.

Tham nhũng "hệ thống" tại phòng tàu sông

Theo hồ sơ, để được cấp thông báo năng lực, 38 cơ sở đóng tàu tại tỉnh Long An đã liên hệ bị can Phạm Hoài Hà (giám đốc Chi cục Đăng kiểm Long An) để được hướng dẫn thì ông Hà giới thiệu bị can Nguyễn Xuân Hào (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm Long An) tiến hành lập hồ sơ của 38 cơ sở đóng tàu này.

Quá trình lập hồ sơ tại Long An, ông Nguyễn Xuân Hào đã nhận của chủ các cơ sở đóng tàu từ 30 triệu đồng đến 150 triệu đồng/xưởng trọn gói đến khi được cấp thông báo năng lực. Sau đó, ông Hào đã gửi các hồ sơ này ra Cục đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá.

Quá trình đánh giá, ông Đỗ Trung Học là người soát xét hồ sơ, đã yêu cầu ông Phạm Hoài Hà phải đưa tiền để duyệt hồ sơ và cung cấp số tài khoản của bị can Nguyễn Thành Lê (44 tuổi, quê Ninh Bình) và của bản thân ông Học để Hà chuyển tiền. 

Sau khi ông Học yêu cầu đưa tiền thì ông Hà đã yêu cầu ông Hào chuyển tiền vào hai tài khoản. Trong khoản thời gian từ tháng 1-2021 đến tháng 12-2021, tổng số tiền ông Hào đã chuyển vào tài khoản của ông Lê và ông Học là 4,1 tỉ đồng.

Mặc dù hồ sơ đánh giá các cơ sở tại Long An không đủ điều kiện để cấp thông báo năng lực theo quy định như: không có quy trình hàn, công nhân không có chứng chỉ thợ hàn; mặt bằng sản xuất không phải đất sản xuất kinh doanh mà là đất nông nghiệp; bến chuyên dùng không được cấp phép; chưa có giấy phép xây dựng; không có kỹ sư làm việc, không có hợp đồng với kỹ sư; không có ký kết hợp đồng với nhà thầu phụ.

Thế nhưng bị can Lê Ngọc Tú (cựu phó trưởng phòng tàu sông) và ông Học vẫn đề xuất ông Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) ký cấp thông báo năng lực cho các cơ sở đóng tàu này hoạt động trái pháp luật.

Cáo trạng xác định ông Học đã thực hiện hành vi nhận hối lộ số tiền hơn 2,8 tỉ đồng từ Nguyễn Xuân Hào,  để cấp thông báo năng lực cho 38 cơ sở đóng tàu tại Long An như trên.

Đọc bài gốc tại đây.