Chiều 12/7, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO) diễn ra tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria) - Chủ tịch kỳ họp đã gõ búa công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, TP Hải Phòng) là Di sản văn hóa thế giới. Đây là di sản thế giới thứ 9 ở Việt Nam được UNESCO công nhận và là Di sản thế giới liên tỉnh thứ 2 ở Việt Nam, cùng...
Chiều 12/7, tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO) diễn ra tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria) - Chủ tịch kỳ họp đã gõ búa công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, TP Hải Phòng) là Di sản văn hóa thế giới.Đây là di sản thế giới thứ 9 ở Việt Nam được UNESCO công nhận và là Di sản thế giới liên tỉnh thứ 2 ở Việt Nam, cùng với di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng).
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là minh chứng đặc biệt về Phật giáo Trúc Lâm, một truyền thống Thiền độc đáo của Việt Nam được thành lập vào thế kỷ XIII bởi các vua nhà Trần, đặc biệt là Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Quần thể bao gồm hệ thống di tích thuộc các di tích quốc gia đặc biệt đã được Thủ tướng xếp hạng quốc gia, quốc gia đặc biệt gồm: Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử; Khu di tích Nhà Trần ở Đông Triều, Chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Bổ Đà; Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương.
Các di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng (Chùa Thanh Mai) và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống trong khu vực…cùng cảnh quan với hệ thống núi rừng và không gian văn hóa Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.
Với 12 cụm, điểm di tích, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc thể hiện đầy đủ truyền thống Phật giáo Trúc Lâm từ việc thành lập ở núi thiêng Yên Tử đến sự hệ thống hóa các triết lý thể hiện qua văn bia, di vật liên quan và thực hành nghi lễ.
Bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Ban chỉ đạo - Trưởng ban điều hành xây dựng hồ sơ Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc cho biết: Sau nhiều năm nỗ lực, di sản đã chính thức được quốc tế công nhận. Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai đề án bảo tồn, tôn tạo, nhằm bảo đảm tính bền vững, lan tỏa sâu rộng giá trị cao quý của di sản..
Trong nội dung phát biểu đáp từ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Từ nhiều năm nay, hệ thống các di tích, di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các tỉnh đặc biệt quan tâm thông qua việc triển khai nhiều dự án bảo tồn, tu bổ các công trình di tích; Nghiên cứu, nhận diện giá trị để lập hồ sơ đề cử, ghi danh ở trong nước và quốc tế.
Việc Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản thế giới là kết quả của nỗ lực bền bỉ, sự đồng thuận cao và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức trong nước và quốc tế.
Đọc bài gốc tại đây.