Ghi nhận 78 ca nghi mắc sởi và rubella, Bộ Y tế chỉ đạo nóng

28/03 18:04
 

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật 28 tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát bệnh sởi, rubella. Từ đầu năm 2024 đến nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ghi nhận 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại khu vực phía Bắc. Trong đó 12 trường hợp sởi xác định tại phòng thí nghiệm của 4 tỉnh, thành phố và 10 trường hợp rubella tại 7 tỉnh, thành phố. Viện Vệ sinh dịch tễ đề...

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật 28 tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát bệnh sởi, rubella.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ghi nhận 78 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại khu vực phía Bắc. Trong đó 12 trường hợp sởi xác định tại phòng thí nghiệm của 4 tỉnh, thành phố và 10 trường hợp rubella tại 7 tỉnh, thành phố.

Viện Vệ sinh dịch tễ đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám sát tích cực các trường hợp nghi sởi, rubella. Viện cũng đề nghị các địa phương điều tra, lấy mẫu xét nghiệm hoặc gửi về để xét nghiệm.

Với các tỉnh, thành phố tự xét nghiệm cần gửi kết quả về văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc để thống kê.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đề nghị cần duy trì công tác tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ từ 9-12 tháng và vaccine sởi- rubella cho trẻ từ 18-24 tháng, đảm bảo không bỏ sót ai.

Huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) vừa ghi nhận chùm ca bệnh sởi tập trung ở nhóm trẻ dưới 10 tuổi. Đoàn công tác Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã vào Hà Tĩnh để cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh đánh giá lại nguy cơ và đề xuất các giải pháp phòng chống dịch trong thời gian tới.

Đoàn sẽ làm việc với Trung tâm y tế huyện, trường học nơi xảy ra các ca bệnh và trong cộng đồng nơi trẻ sinh sống để đánh giá nguy cơ, điều tra dịch tễ.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng thông báo ghi nhận ca mắc rubella đầu tiên trên địa bàn trong năm 2024. Đây là bé gái 7 tuổi ở huyện Đan Phượng, được tiêm chủng 2 mũi vaccine phòng bệnh rubella.

Theo chuyên gia y tế, bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết mũi họng của bệnh nhân khi người bệnh ho, hắt hơi. Bệnh sởi làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể nên thường kèm theo những biến chứng nặng như viêm phổi, viêm tai, tiêu chảy, viêm não. Những bệnh này khi mắc cùng bệnh sởi thường có diễn biến rất nặng.

Bệnh rubella ở trẻ em thường nhẹ, ít biến chứng. Tuy nhiên, nếu người mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu, hội chứng rubella bẩm sinh (CRS) và nhiễm rubella bẩm sinh ở trẻ khi sinh ra.

Đọc bài gốc tại đây.