Gia Lai: Huyện Chư Sê cam kết xử lý dứt điểm ô nhiễm từ trang trại nuôi heo

09/05 13:57
 

Huyện Chư Sê đã có văn bản giao các phòng ban và Ủy ban Nhân dân xã Hbông khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết dứt điểm hành vi vi phạm của trang trại.

Sau thông tin phản ánh “Người dân kêu cứu trước ô nhiễm từ trang trại chăn nuôi heo” của TTXVN, Ủy ban Nhân dân huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã cam kết xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do trang trại chăn nuôi heo của ông Trịnh Xuân Thường gây ra.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chư Sê Rmah H’bé Nét khẳng định địa phương đã có văn bản giao các phòng ban và Ủy ban Nhân dân xã Hbông khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết dứt điểm hành vi vi phạm của trang trại.

Quan điểm của địa phương là kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, nhằm bảo vệ môi trường sống cho người dân.

Cùng với đó, huyện Chư Sê cũng đề nghị ngành chức năng hướng dẫn, giới thiệu cho chủ các trang trại chăn nuôi trên địa bàn về công nghệ xử lý mùi và xử lý chất thải hiệu quả nhất hiện nay để áp dụng cho các trang trại.

Trước đó, kết quả kiểm tra cho thấy trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của hộ gia đình ông Trịnh Xuân Thường tại thôn Ia Sa, xã Hbông đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 1217/QĐ-UBND ngày 13/12/2018; các công trình bảo vệ môi trường đã được đầu tư cơ bản theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt.

Tuy nhiên, hệ thống xử lý mùi chưa hiệu quả và do sự suy giảm của thảm thực vật xung quanh trang trại khiến mùi hôi có điều kiện phát tán ra khu dân cư, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân.

Ngoài ra, trang trại chăn nuôi heo này vẫn chưa hoàn thiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với trang trại quy mô lớn.

Trước những vi phạm trên, Ủy ban Nhân dân huyện Chư Sê đã yêu cầu hộ gia đình ông Trịnh Xuân Thường khẩn trương áp dụng các giải pháp xử lý mùi hôi hiệu quả, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; hoàn thiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với trang trại quy mô lớn.

Trước những vi phạm này, hộ gia đình ông Trịnh Xuân Thường cũng đã cam kết với chính quyền địa phương và người dân sẽ có giải pháp xử lý mùi hôi trong vòng 20 ngày.

Trong trường hợp không thể khắc phục, ông Thường cam kết sẽ dừng hoạt động chăn nuôi.

Bà Lương Thị Tuyết Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai, cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục theo dõi và đôn đốc địa phương kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp chăn nuôi không đảm bảo các vấn đề về môi trường.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai cho biết thêm đa số trang trại chăn nuôi hiện này chưa đầu tư đúng mức cho hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, dẫn đến tình trạng ô nhiễm.

Hiện tại mức xử phạt và chế tài còn thấp, chỉ ở mức từ 1-3 triệu đồng đối với tình trạng gây ô nhiễm và yêu cầu khắc phục nên chưa đủ sức răn đe đối với các chủ trang trại nên rất khó khăn trong quản lý.

“Thời gian tới, Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đề nghị các bộ ngành sớm sửa đổi và ban hành các quy định mới để quản lý hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cũng đề xuất ngừng tiếp nhận và hạn chế các dự án đầu tư chăn nuôi mới tại những nơi có mật độ chăn nuôi cao,” Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai nói.

Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 300 trang trại chăn nuôi heo với công suất 560.000 con đã được xây dựng và đưa vào hoạt động. Đây là những thách thức lớn đối với tỉnh về việc đảm bảo môi trường sống cho người dân xung quanh các dự án.

Việc thiếu giám sát và buông lỏng quản lý sẽ khiến tỉnh này đối mặt với tình trạng ô nhiễm hàng loạt từ các dự án chăn nuôi.

Trước đó, VietnamPlus đã đăng bài phản ánh về việc hàng chục hộ dân ở xã Hbông, huyện Chư Sê (Gia Lai) đang sống trong cảnh ô nhiễm nghiêm trọng do việc xả thải của trang trại chăn nuôi heo gây ra.

Mùi hôi thối nồng nặc, nguồn nước bị ô nhiễm, đất canh tác bị hủy hoại, sức khỏe của người dân bị đe dọa, đó là những gì người dân nơi đây phải gánh chịu suốt thời gian qua./.

Đọc bài gốc tại đây.