Giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM: Nghị quyết mới đột phá về cho vay giảm nghèo, giải quyết việc làm...

08/06 14:12
 

TPO - Trả lời phỏng vấn của PV báo Tiền Phong, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) TPHCM Lê Văn Thinh cho biết, nếu dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 được thông qua cho phép bổ sung vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách, sẽ góp phần hỗ trợ giảm nghèo đa chiều cho người dân.

Thưa ông, dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho phép TPHCM sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm có khác biệt gì so với mục tiêu trước đây của Thành phố?

Ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM

Ông Lê Văn Thinh: Thành phố xây dựng Chương trình Giảm nghèo bền vững TPHCM giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tổng quát là thực hiện giảm nghèo bền vững, không để tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố tăng thu nhập và tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục và đào tạo, việc làm - bảo hiểm xã hội, điều kiện sống) nhằm tiếp tục nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo giảm nghèo bền vững.

Trong đó, thành phố phấn đấu thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,35%/năm và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo bình quân 0,2%/năm. Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố.

Chính sách cho vay tín dụng ưu đãi là một trong những giải pháp chính sách hỗ trợ giảm nghèo, tạo vốn, tạo nguồn lực để người nghèo có điều kiện tham gia sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập để ổn định cuộc sống. Chính sách này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố trong thời gian qua.

Công nhân mong muốn được vay vốn xóa đói giảm nghèo, có việc làm ổn định

Trước đây, việc bổ sung vốn cho vay Hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm được thực hiện từ nguồn ngân sách theo Luật Ngân sách năm 2015. Khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019, việc bổ sung vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm chưa được xác định rõ từ nguồn vốn đầu tư hay nguồn vốn sự nghiệp.

Do vậy, Thành phố đề xuất Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TPHCM có nội dung: “Hội đồng nhân dân Thành phố được sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương để cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm thông qua việc ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam theo chính sách do Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành”, trong đó xác định rõ nguồn vốn bổ sung cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm là cơ sở để các cơ quan tham mưu triển khai thực hiện.

Nếu được thông qua, chính sách này sẽ đem lại những lợi ích gì cho người dân và thành phố?

Khi Nghị quyết được thông qua sẽ xác định rõ nguồn chi và thủ tục để bổ sung ngân sách thành phố cho nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm, đem lại hiệu quả và lợi ích rất lớn đối với người dân cũng như đối với chính quyền thành phố, cụ thể:

Lợi ích về phía Thành phố: Thống nhất về mặt chủ trương, rõ ràng trong cách triển khai thực hiện, xác định rõ trách nhiệm, phối hợp của các cơ quan chuyên môn trong các khâu thực hiện chính sách.

Lợi ích về phía người dân: Hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, triển khai kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách và người lao động nghèo trên địa bàn thành phố để sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, qua đó giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ thất nghiệp góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thông qua triển khai các mô hình giảm nghèo hiệu quả.

Công nhân lao động khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) trong giờ tan ca

Đồng thời, chính sách mới góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM.

Trước đây, để quản lý nguồn vốn vay, Thành phố đã có những giải pháp như thế nào?

Nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo, trước đây là Quỹ Xóa đói giảm nghèo, được hình thành và phát triển từ năm 1993 để cho người nghèo trên địa bàn vay. Quỹ được quản lý và sử dụng theo quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Xóa đói giảm nghèo được ban hành kèm theo Quyết định số 140/2006/QĐ-UBND ngày 22/9/2006 của UBND TPHCM.

Đến năm 2016, Thành phố đã ủy thác Quỹ Xóa đói giảm nghèo qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TPHCM để thực hiện quản lý, cho vay theo quy định tại Thông tư 11/2017/TT-BTC ngày 8/2/2017 của Bộ Tài chính, quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thành phố đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay Hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn TPHCM.

Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của Thành phố trước đây là Quỹ giải quyết việc làm địa phương được quản lý và sử dụng như quỹ Quốc gia về việc làm theo Quyết định số 5556/QĐ-UBND ngày 7/12/2010 của UBND TPHCM. Thực hiện Thông tư 11/2017/TT-BTC ngày 8/2/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Thành phố đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn TPHCM kèm theo Quyết định số 51/2021/QĐ-UBND ngày 15/12/2021 của UBND TPHCM.

Nếu được thông qua nghị quyết mới về cơ chế đặc thù, Thành phố sẽ cân đối đảm bảo nguồn lực nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố để bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn.

Như vậy, hiện nay, nguồn vốn cho vay Hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm được Thành phố quản lý bằng quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ban hành kèm theo Quyết định số 50/2021/QĐ-UBND và Quyết định 51/2021/QĐ-UBND ngày 15/12/2021.

Theo quy chế này, Ngân hàng Chính sách xã hội là cơ quan chịu trách nhiệm nhận vốn ủy thác, thực hiện cho vay đối tượng có nhu cầu theo quy định của từng nguồn vốn. Sở LĐTB&XH TPHCM là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố chịu trách nhiệm và phối hợp với các Sở ngành liên quan như Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc tham mưu quản lý, kiểm tra việc thực hiện chính sách trên địa bàn Thành phố.

Hiện nay, nguồn vốn cho vay giảm nghèo và giải quyết việc làm được phân bố ra sao, có vướng mắc gì không, thưa ông ?

Nguồn vốn cho vay giảm nghèo và giải quyết việc làm được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TPHCM thực hiện cho vay theo quy chế quản lý, sử dụng của các nguồn vốn và văn bản chỉ đạo của UBND TPHCM.

Trước khi Luật Đầu tư công 2019 ban hành, việc phân bổ vốn được thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước. Từ khi Luật Đầu tư công năm 2019 ban hành (có hiệu lực từ năm 2020), các cơ quan chuyên môn chưa thống nhất trong xác định nguồn chi và thủ tục thực hiện để bổ sung vốn cho 2 nguồn (nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm).

Do vậy, từ năm 2021 đến nay, nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo và nguồn vốn giải quyết việc làm chưa được bổ sung để cho vay theo nhu cầu đề nghị. Việc chậm bổ sung vốn làm giảm hiệu quả cho vay tín dụng ưu đãi. Nhu cầu của người vay chưa được đáp ứng kịp thời.

Mong muốn và kỳ vọng của ông nếu chính sách này được thông qua?

Nếu được thông qua cơ chế, chính sách, Thành phố cân đối đảm bảo nguồn lực nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố để bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố, giúp triển khai kịp thời chính sách tín dụng đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách và người lao động nghèo ở TPHCM để sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định.

Qua đó, chính sách này còn góp phần giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ thất nghiệp; góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề cao để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thông qua triển khai các mô hình giảm nghèo hiệu quả; góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM.

Cám ơn ông!

Đọc bài gốc tại đây.