Góc pháp lý vụ thanh niên bị cho là cướp taxi ở Hà Nội sau xô xát vì tài xế đi đường không đúng ý

17/04 08:40
 

Việc Hoàng Khương Duy hành hung tài xế taxi do mâu thuẫn từ việc đi không đúng ý mình, rồi lái chiếc ôtô khỏi hiện trường, dưới góc pháp lý...

Việc Hoàng Khương Duy hành hung tài xế taxi do mâu thuẫn từ việc đi không đúng ý mình, rồi lái chiếc ôtô khỏi hiện trường, dưới góc pháp lý, các luật sư cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ thanh niên này có hay không hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin diễn biến ban đầu vụ việc, đêm 14.4, sau khi từ quán bar ở phố Yên Phụ (Hà Nội) ra về, Hoàng Khương Duy (25 tuổi) gọi xe taxi G7 do anh Nam (tên đã thay đổi) điều khiển.

Duy yêu cầu tài xế chở về khu vực Trường tiểu học Huy Văn, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội. Trên đường đi từ Yên Phụ về đến Trần Quý Cáp, giữa Duy và tài xế xảy ra mâu thuẫn.

Nguyên do ban đầu, Duy cho rằng, tài xế đi đường không đúng ý của mình. Hai bên to tiếng, Duy dùng tay trái ghì cổ anh Nam vào ghế lái, tay phải cầm điện thoại đấm liên tục vào đầu, mặt, ngực, bụng nạn nhân.

Hoảng sợ, nam tài xế liền bật cửa chạy ra khỏi xe và tri hô. Lúc này, Duy đã nhảy vào ghế lái điều khiển phương tiện bỏ chạy.

Khi đến phố Lương Sử C, Duy bỏ lại xe và chạy bộ bỏ trốn sau khi va chạm với một số phương tiện trên đường.

Trong khi đó, anh Nam đến trụ sở công an trình báo. Duy bị bắt giữ sau đó.

Vậy hành vi của Duy có phải là cướp taxi?

Theo dõi vụ việc, ngày 16.4, trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, thông tin từ phía cơ quan chức năng, va chạm giữa hai bên là mâu thuẫn trong việc thống nhất hướng di chuyển trong quá trình đi xe taxi.

Theo diễn biến sự việc, hành vi dùng vũ lực cũng như việc điều khiển ôtô di chuyển một quãng đường là có.

Tuy nhiên, cần phải chứng minh các yếu tố về mặt chủ quan của tội phạm. Ở đây, phải chứng minh việc sử dụng vũ lực như vậy nhằm mục đích chiếm đoạt chiếc ôtô thì mới buộc tội được Duy.

Dưới góc pháp lý, tội cướp tài sản thuộc nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản, hành vi điển hình là vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác làm tê liệt ý chí của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản.

Mặt khác, chiếm đoạt tài sản là phải biến tài sản của bị hại thành tài sản của mình một cách bất hợp pháp; phải sử dụng tài sản đó để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức hoặc mang định đoạt tài sản đó.

"Tuy nhiên nếu hành vi sử dụng vũ lực đối với nạn nhân không phải nhằm mục đích để chiếm đoạt tài sản thì không đủ căn cứ để kết tội về tội cướp tài sản", luật sư Cường cho biết. Hành vi điều khiển ôtô một quãng đường đó chỉ có thể xử lý về hành vi chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản.

"Bởi vậy, trong vụ việc này cần làm rõ mặt chủ quan và khách thể của tội phạm để xác định hành vi đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm về tội cướp tài sản hay chưa", luật sư Cường nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhìn nhận, việc cướp không phải thể hiện ý chí trước hay sau, mà ở hành vi.

Luật sư dẫn chứng việc chủ nợ đến nhà con nợ đòi tiền. Sau đó, chủ nợ dùng vũ lực, uy hiếp con nợ viết giấy nhận nợ. Ý chí ban đầu không phải là cướp, song chính hành vi dùng vũ lực đã uy hiếp đến tính mạng người ta thì cấu thành tội cướp tài sản.

Trong vụ việc, Duy có hành vi đánh tài xế, khiến anh này phải bỏ lại taxi, ra ngoài hô hoán. "Ngay lúc đó, Duy có thể cũng xuống xe bỏ chạy", luật sư phân tích. Song Duy lại lái chiếc xe đi khỏi hiện trường.

Dưới góc pháp lý, luật sư cho rằng, về mặt khách quan, chủ quan, khách thể chủ thể có "dấu hiệu về hành vi cướp tài sản về mặt hình thức".

Song, theo luật sư, cơ quan chức năng cần xác định, khi tài xế tri hô, Duy lái xe đi là để bỏ trốn hay để chiếm đoạt.

Đọc bài gốc tại đây.