Hãy bỏ tiền vào rạp xem phim thay vì coi phim lậu

23/03 15:00
 

Các nhà làm phim “kêu trời không thấu” bởi vì các sản phẩm điện ảnh của họ bị các loại “ăn cắp” trong thiên hạ xâu xé. Tác giả một...

Các nhà làm phim “kêu trời không thấu” bởi vì các sản phẩm điện ảnh của họ bị các loại “ăn cắp” trong thiên hạ xâu xé. Tác giả một bộ phim luôn muốn những đứa con tinh thần xuất hiện trong một không gian nghệ thuật đúng nghĩa, như chính sự kỳ vọng của họ và những người yêu nghệ thuật thứ bảy.

Nhưng thật đáng tiếc, càng ngày, khi nhiều nền tảng xuyên biên giới ra đời thì chuyện “trộm cắp” nghệ thuật càng nhiều thủ đoạn hơn. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là có thể quay lại những “xen” độc đáo của bộ phim, sau đó chế biến, giới thiệu trên kênh riêng để câu view, câu like. Kênh riêng lại được khai thác trên các nền tảng khác, cũng là sản phẩm của thế giới công nghệ.

Các nhà sản xuất khóc ròng vì bộ phim của họ được chiếu tràn lan, cắt cúp đủ kiểu, thậm chí thêm thắt những lời bình về nhân vật và nội dung, làm méo mó ý tưởng và thông điệp mà đạo diễn muốn gửi gắm. Thời nay, các loại phim như vậy dày đặc, chỉ cần click con chuột là xem thoải mái.

Nói tới đây cũng dành thêm một góc để chia sẻ với người xem phim. Trước hết là cách tiếp cận nghệ thuật, chỉ đến rạp mới thực sự thưởng thức những tinh túy của bộ phim, bởi vì hình ảnh, màu sắc, âm thanh đều đạt chất lượng. Xem một bộ phim bị cắt cúp, ngay cả phim lậu đầy đủ, trên chiếc máy tính thì cũng không thể rung động, vì thiếu vắng cảm xúc thực sự.

Ngoài khía cạnh nghệ thuật, xem phim ở các rạp còn là trách nhiệm của một công dân với sự phát triển điện ảnh. Hãy cứ suy nghĩ thật thẳng thắn, nếu ai cũng xem phim lậu thì các nhà làm phim lấy đâu ra tiền bù đắp vào chi phí sản xuất. Các nhà làm phim thua lỗ vì phim lậu, ai cũng bỏ nghề, ngành nghệ thuật này suy yếu.

Bỏ tiền ra mua một chiếc vé vào rạp xem phim là thể hiện văn minh, nhiều người cũng có trách nhiệm với nghệ thuật điện ảnh là xây dựng một cộng đồng văn hóa, nâng cao dân trí. Ai cũng có thể nói về lòng yêu nước, nhưng đôi khi việc tẩy chay phim lậu lại không kiên quyết. Đừng nghĩ yêu nước là phải làm việc gì to tát, mà chỉ cần ủng hộ việc đúng, quay lưng lại với điều sai.

Nhưng ngoài kêu gọi một cộng đồng văn minh, ứng xử có trách nhiệm với công nghiệp điện ảnh, cần phải có bàn tay của các nhà quản lý trong việc kiểm soát, xử lý các kênh chiếu phim lậu. Có pháp trong tay cứ thẳng tay mà xử, nếu không thì các nhà sản xuất biết cậy vào ai.

Đọc bài gốc tại đây.