Nhiều trường hợp học gian dối, “học giả, bằng thật” vẫn âm ỉ trong xã hội là một trong những rào cản lớn nhất của tinh thần học tập suốt...
Nhiều trường hợp học gian dối, “học giả, bằng thật” vẫn âm ỉ trong xã hội là một trong những rào cản lớn nhất của tinh thần học tập suốt đời.
Một thực tế đáng buồn là không ít người hiện nay, từ cán bộ đến người lao động, xem việc học như một nhiệm vụ "đối phó" hơn là cơ hội để nâng cao năng lực bản thân.
Họ chạy theo bằng cấp, chứng chỉ như tấm vé thông hành để thăng tiến, bỏ qua giá trị thực chất của tri thức.
Tình trạng "học giả, bằng thật" là vấn đề không hề xa lạ, thể hiện qua những buổi học chỉ để điểm danh, những bài luận được sao chép..., trong khi kiến thức thực tiễn bị xem nhẹ.
Không hiếm trường hợp người học sẵn sàng chi tiền để mua chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, hoặc thậm chí thuê người học thay, chỉ để có một tấm bằng "đẹp" trong hồ sơ.
Hậu quả của "học giả, bằng thật" là vô cùng nghiêm trọng. Khi tri thức chỉ là vỏ bọc, người học không thể "dám nghĩ" để sáng tạo, "dám nói" để bảo vệ lẽ phải, "dám làm" để biến ý tưởng thành hiện thực, hay "dám chịu trách nhiệm" khi đối mặt với khó khăn, thử thách.
Một cán bộ chạy theo bằng cấp mà không có năng lực thực sự có thể đưa ra những quyết định sai lầm, gây tổn thất cho tổ chức và cộng đồng.
Một người lao động học đối phó sẽ không đủ kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc, kéo lùi hiệu quả sản xuất.
Lâu dần, xã hội sẽ xuất hiện những "công dân rỗng" - có bằng cấp nhưng thiếu bản lĩnh và trách nhiệm, khiến đất nước mất đi những lực lượng tiên phong cần thiết để phát triển bền vững.
Nguy hiểm hơn, "học giả, bằng thật" còn làm xói mòn niềm tin vào giáo dục, là nền tảng của mọi tiến bộ xã hội. Khi bằng cấp trở thành thứ có thể mua bán, giá trị của tri thức bị xem nhẹ, những người học chân chính sẽ cảm thấy bất công, mất động lực.
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn tạo ra một vòng luẩn quẩn: giáo dục mất chất lượng, xã hội thiếu nhân tài, và lợi ích chung bị đặt sau lợi ích riêng.
Để hiện thực hóa tinh thần học tập suốt đời như một trách nhiệm xã hội, song hành với lợi ích cá nhân, cần có những giải pháp mạnh mẽ và bền vững.
Trước hết, cần xây dựng văn hóa học tập tự giác, trong đó mỗi người ý thức rằng học là để phát triển bản thân và đóng góp cho cộng đồng, chứ không phải để "đánh bóng" lý lịch.
Nhà nước và các cơ sở giáo dục cần thiết kế các chương trình học thiết thực, gắn với thực tiễn công việc và đời sống, thay vì những khóa học hình thức chỉ nhằm cấp chứng chỉ.
Đồng thời, cần xóa bỏ "bệnh thành tích" bằng cách đánh giá năng lực thực chất, sử dụng các bài kiểm tra thực hành, dự án cụ thể thay vì chỉ dựa vào điểm số hay bằng cấp trên giấy.
Các doanh nghiệp, tổ chức cũng cần thay đổi tư duy tuyển dụng, ưu tiên kỹ năng và hiệu quả công việc hơn là bằng cấp, lý lịch.
Chỉ khi dứt bỏ được "học giả, bằng thật", chúng ta mới có thể xây dựng một thế hệ công dân thực sự "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm" như lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Đọc bài gốc tại đây.