Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 khai mạc chiều 23/1, dự kiến diễn ra trong hai ngày để quyết định giải pháp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Trung ương sẽ thảo luận cho ý kiến với 5 nội dung, trong đó có 3 nhóm vấn đề quan trọng là: Tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Đề án bổ sung mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030; công tác cán bộ theo thẩm quyền của Trung ương; báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong năm 2024; báo cáo về công tác kiểm tra, giám sát năm 2024 và chương trình kiểm tra, giám sát năm 2025.
Gợi mở một số nội dung để Trung ương nghiên cứu, thảo luận và quyết định, Tổng Bí thư nhấn mạnh về nhóm vấn đề tổng kết Nghị quyết 18. Đây là nội dung trọng tâm nhất của Hội nghị Trung ương lần này.
Thực hiện kết luận của Trung ương tại hội nghị ngày 25/11/2024, trên cơ sở kế thừa kết quả thực hiện Nghị quyết 18 từ năm 2017 đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo rất quyết liệt khẩn trương triển khai tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy mới trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng," không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội với những bước đi lộ trình thực hiện bài bản, khoa học, đảm bảo đúng điều lệ của Đảng, quy định, nguyên tắc, định hướng chỉ đạo của Trung ương.
Chỉ trong hai tháng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 21 kết luận, quyết định, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 cũng đã ban hành 39 văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai hoạt động liên quan đến tổng kết Nghị quyết này.
Tổng Bí thư nêu rõ các cơ quan, ban Đảng Trung ương, Chính phủ, Quốc hội và các tổ chức chính trị, xã hội Trung ương đều đã nêu gương triển khai rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ sắp xếp đầu mối bên trong theo định hướng. Chính phủ đã nhanh chóng ban hành các chính sách bảo đảm quyền, lợi ích của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động góp phần giải tỏa tâm tư, tạo thuận lợi trong quá trình sắp xếp.
Các địa phương cũng chủ động triển khai việc thực hiện, tổng kết, nghiên cứu, đề xuất phương án tinh gọn, kết thúc hoạt động, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan đồng bộ theo chỉ đạo của Trung ương.
Việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá rất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân; thực hiện theo đúng tinh thần Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh cũng không chờ cấp huyện, cấp huyện cũng không chờ cơ sở.
"Nhìn tổng thể, cho đến nay, nhiều phần việc đã vượt tiến độ đề ra, bảo đảm đúng định hướng của Trung ương đã chỉ đạo", Tổng Bí thư nói.
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị trình Trung ương cho ý kiến vào báo cáo tổng kết Nghị quyết 18 và phương án bố trí, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị với nhiều nội dung mang tính cải cách mạnh mẽ như giảm đầu mối, xóa bỏ trung gian trong các cơ quan khối Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đề xuất phương án không tổ chức công an cấp quận, huyện trong hệ thống Công an Nhân dân.
Đây là những vấn đề "đặc biệt hệ trọng, mang tính cách mạng cao", nên Tổng Bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, đánh giá cho ý kiến để tạo sự đồng thuận, quyết tâm trong tổ chức thực hiện. Đồng thời Trung ương cho ý kiến về những công việc cần tiếp tục triển khai để đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ nhằm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Theo báo cáo tại phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 về sắp xếp tinh gọn bộ máy hôm 21/1, đến nay các cơ quan, ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội trung ương đã giảm 119 đầu mối cấp vụ; dự kiến giảm 4 cơ quan Đảng Trung ương; giảm 25 ban cán sự đảng; giảm 16 đảng đoàn ở Trung ương.
Khối Chính phủ giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ; 3 cơ quan thuộc Chính phủ; 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương; 519 cục và tổ chức tương đương; 219 vụ và tổ chức tương đương; 3.303 chi cục và tương đương; 203 đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo kế hoạch của Chính phủ, các bộ sẽ hợp nhất gồm: Bộ Kế hoạch Đầu tư và Tài chính; Bộ Nội vụ và Lao động Thương binh Xã hội; Bộ Xây dựng và Giao thông Vận tải; Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tin Truyền thông; Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên Môi trường.
Địa phương dự kiến giảm 66 đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy và 264 cơ quan tham mưu, giúp việc của đảng ủy; 63 cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp tỉnh; 644 đảng đoàn, ban cán sự đảng cấp tỉnh; 694 cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện; 340 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; 1.438 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Khối Quốc hội giảm 5 cơ quan và 13 đầu mối cấp vụ. Cơ quan chức năng đang nghiên cứu sáp nhập các Ủy ban của Quốc hội, gồm: Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật.
Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội sẽ kết thúc hoạt động, chuyển nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao, các Ủy ban khác và Văn phòng Quốc hội. Ban Dân nguyện sẽ chuyển thành Ban Giám sát và Dân nguyện. Viện Nghiên cứu Lập pháp kết thúc hoạt động.
Khối tư pháp, giảm 227 đầu mối tòa án nhân dân các cấp và 108 đầu mối ngành kiểm sát.
Đọc bài gốc tại đây.