Ký ức của người lính được Bác Hồ cài Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ lên ngực áo

16/04 06:52
 

Trong số các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ, nhiều người hiện đang sinh sống tại tỉnh Lào Cai. 70 năm trôi qua, những kí ức trong họ về một thời gian khổ nhưng hào hùng vẫn không hề phai nhạt. 13 tuổi trốn nhà làm liên lạc cho bộ đội Việt Minh; 17 tuổi nhập ngũ, 1 năm sau thì vượt núi, băng rừng lên Điện Biên Phủ tham gia chiến dịch, ông Bế Văn Sâm, 88 tuổi, người Trà Lĩnh (Cao Bằng), nay trú tại thôn Chiền...

Trong số các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ, nhiều người hiện đang sinh sống tại tỉnh Lào Cai. 70 năm trôi qua, những kí ức trong họ về một thời gian khổ nhưng hào hùng vẫn không hề phai nhạt.

13 tuổi trốn nhà làm liên lạc cho bộ đội Việt Minh; 17 tuổi nhập ngũ, 1 năm sau thì vượt núi, băng rừng lên Điện Biên Phủ tham gia chiến dịch, ông Bế Văn Sâm, 88 tuổi, người Trà Lĩnh (Cao Bằng), nay trú tại thôn Chiền On, phường Bình Minh, thành phố Lào Cai không thể quên những ngày tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử, khốc liệt đến mức có lúc tưởng chừng chỉ có đạn tránh người chứ người không thể tránh được đạn, nhưng mệnh lệnh không thể không thực thi.

"Khổ nhất là lúc công đồn. Một Tiểu đội có 12 người, lúc rút lui ra chỉ còn 1 - 2 người, còn đâu đều nằm lại. Bấy giờ bản thân tôi cũng không biết mình sẽ còn sống đến ngày hôm nay. Khi vào mặt trận là không nghĩ gì hết. 10 lời thề và 12 điều kỷ luật của Quân đội Quốc gia Việt Nam đã rèn luyện cho mình tất cả để phấn đấu" - ông Bế Văn Sâm mói.

Sau ngày chiến thắng, ông Sâm vinh dự được đứng trước hàng quân, trực tiếp được Bác Hồ cài Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ lên ngực áo. Bức ảnh ấy đến nay vẫn còn được lưu giữ.

Còn ông Trương Duyên, người Ninh Bình, trú tại tổ 14, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, nguyên là Trung úy, Đại đội phó Đại đội 965, Trung đoàn 34 nay đã 101 tuổi nhưng vẫn kể vanh vách kỉ niệm "kéo pháo vào, kéo pháo ra" do chỉ huy bất ngờ thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Từ đó xây dựng trận địa vững chắc, bảo toàn lực lượng, giúp quân ta đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

"Đầu tiên là trận địa tròn tròn, đưa pháo vào giữa chẳng có nóc gì cả. Xong đến lúc trên lệnh phải kéo pháo ra. Kéo ra xong là ăn Tết, mỗi người một đồng bánh chưng rồi lại đi luôn, thế mà tới nơi đã thấy có hầm rồi. Hầm nằm sâu trong đồi, chỗ nào không khoét được thì dùng gỗ, cỏ, lau sậy chắn phía trên, bom địch thả không ăn thua.

Sau khi đánh trận Him Lam xong lại kéo pháo lên phía bắc tới Bản Kéo, Bản Kéo hàng rồi tiếp tục đánh cho tới lúc giải phóng" - ông Trương Duyên chia sẻ.

70 năm đã trôi qua kể từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", ông Sâm, ông Duyên và nhiều cựu chiến sỹ Điện Biên đều đã ở tuổi xưa nay hiếm.

Nhưng những kí ức mà mỗi người lính mang theo vẫn là những mảnh ghép chân thực về lịch sử hào hùng của dân tộc, nhắc nhở thế hệ cháu con phải trân trọng hòa bình, tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Đọc bài gốc tại đây.