Living Well góp phần giải 'cơn khát' nước sạch giữa đỉnh mặn tại đồng bằng sông Cửu Long

26/04 09:39
 

Hạn mặn không phải là vấn đề mới tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, cùng với sự xuất hiện của hiện tượng El Nino, thiếu nước sạch do hạn mặn giờ đây đang ngày đêm đe dọa cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người dân khu vực này.

Miền Tây “khát nước”

Theo Viện Khoa học Miền Nam, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 1 đến đầu tháng 3 năm 2024, ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu vào nội đồng từ 50km-65km, có nơi đến 70km.

Mức độ xâm nhập mặn ở các tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Cà Mau… xấp xỉ năm 2016 - năm hạn mặn lịch sử, 100 năm mới có một lần.

Hiện tượng El Niño, xuất hiện từ đầu tháng 6 năm 2023, đã khiến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ở các tỉnh như Bến Tre và Trà Vinh, hai địa phương thuộc tiểu vùng duyên hải phía đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong ảnh, một đồng ruộng khô cằn tại tỉnh Bến Tre.

“Ở đây năm nào chúng tôi cũng thiếu nước sạch vì nhiễm mặn, nhưng năm nay tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài bất thường, nước ngọt dự trữ không đủ dùng trong thời gian này”, - Ông Kim Phát, người dân xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, cho biết.

Riêng tại Bến Tre có nơi xâm nhập mặn còn sâu hơn ranh mặn kỷ lục vào năm 2016.

UBND Tỉnh Bến Tre cho biết, hạn mặn năm nay dự báo sẽ khiến 25.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt, 4.000 ha diện tích cây giống, cây ăn trái thiếu nước phục vụ sản xuất.

“Thời gian qua, cuộc sống của người dân tại đây rất bấp bênh vì thiếu nước ngọt mỗi khi hạn mặn đến”, Bà Tô Thị Lệ, người dân xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, chia sẻ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng dự báo trong tháng 4 và tháng 5 sẽ có thêm ba đợt xâm nhập mặn tăng cao vào hệ thống sông ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, lượng mưa trong hai tháng này cũng được dự báo sẽ sụt giảm 20 - 25% so với trung bình các năm. Vì vậy, tình trạng thiếu nước mưa tại đây sẽ thiếu hụt từ nay đến giữa tháng 5, thậm chí kéo dài đến nửa cuối tháng 5.

Góp phần giải “cơn khát” nước ngọt giữa đỉnh mặn

Thấu hiểu những khó khăn của người dân vùng ĐBSCL, tháng 3 vừa qua, nhân ngày Nước sạch Thế giới 22/3, Keppel, phối hợp cùng báo Tiền Phong, đã đưa Living Well, dự án nước sạch cho vùng nhiễm mặn, đến với gần 20.000 người dân hai xã Tân Thủy, tỉnh Bến Tre và xã Hàm Giang, tỉnh Trà Vinh.

“Nhờ có dự án Living Well mà giờ đây tôi không phải lo hết nước dự trữ mỗi khi hạn mặn kéo dài”, Bà Lệ vui mừng cho biết.

Ông Huỳnh Văn Cường (thứ hai từ phải sang), cũng là cư dân xã Tân Thủy chia sẻ: “Ngày trước, khi hạn mặn kéo dài, hết nước dự trữ là tôi phải đi mua nước rất xa. Bây giờ thì không cần nữa rồi. Tôi thật sự rất mừng!”

Thông qua Living Well, Keppel đã lắp đặt một hệ thống máy lọc nước nhiễm mặn có công suất 6,000 lít nước sạch dùng trong sinh hoạt mỗi ngày tại xã Tân Thủy và Hàm Giang, qua đó đồng hành cùng bà con tại hai địa phương này trong mùa hạn mặn.

Ông Wong Wai Foo, Giám đốc Bộ phận Tái tạo Đô Thị Bền Vững, Keppel tại Việt Nam, cho biết: “Keppel cam kết vận dụng sức mạnh và nguồn lực của Doanh nghiệp để mang lại những thay đổi tích cực cho cộng đồng và xã hội, đồng thời kiến tạo một tương lai bền vững cho tất cả mọi người. Chúng tôi rất vui mừng khi có thể tiếp tục nhân rộng Living Well để đồng hành cùng những địa phương đang bị đe dọa bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Tôi tin rằng những nỗ lực của Keppel không chỉ đem lại nguồn nước sạch cho người dân, mà còn giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu, một trong những nguyên nhân chính gây ra hạn hán và xâm nhập mặn.”

Người dân Trà Vinh lấy nước từ hệ thống máy lọc nước thuộc dự án Living Well.

Đây không phải lần đầu Living Well đồng hành cùng người dân ĐBSCL. Trước đó, trong năm 2022 và 2023, Keppel đã đưa Living Well đến với khoảng 50,000 bà con tại Tiền Giang, Cà Mau và Bến Tre. Cũng trong năm 2023, dự án đã được nhân rộng đến tiểu bang Karnataka, Ấn Độ, đồng hành cùng 3,000 người dân tại đây trong cuộc chiến tìm kiếm nước sạch.

Keppel là doanh nghiệp điều hành và quản lý tài sản trên toàn cầu, có chuyên môn sâu rộng với các giải pháp bền vững trong lĩnh vực hạ tầng, bất động sản và kết nối. Ngoài trụ sở chính tại Singapore, Keppel còn hoạt động tại hơn 20 quốc gia, đem đến các dịch vụ và hạ tầng thiết yếu cho năng lượng sạch và tái tạo, giảm phát thải carbon, tái tạo đô thị bền vững và kết nối kỹ thuật số.

Tại Việt Nam, Keppel là công ty bất động sản tiên phong và là một trong những nhà đầu tư bất động sản nước ngoài lớn mạnh nhất với danh mục chất lượng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm các cao ốc văn phòng hạng A, các dự án dân cư, trung tâm thương mại, các khu đô thị phức hợp và các căn hộ dịch vụ đạt nhiều giải thưởng.

Đọc bài gốc tại đây.