Tỉnh Long An đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, giải pháp số hóa vào hoạt động quản lý, hành chính, quảng bá sản phẩm địa phương, du lịch.
Long An xem chuyển đổi số là một trong những động lực để tăng trưởng. Mục tiêu là triển khai chuyển đổi số toàn diện trên phạm vi toàn địa bàn, trên mọi ngành lĩnh vực đưa tỉnh vào nhóm các địa phương có chỉ số cao về phát triển kinh tế số, chính quyền số, xã hội số.
Thời gian qua, quá trình này được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung trong cơ quan nhà nước đã được vận hành ổn định. Theo Sở Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên hệ thống "một cửa" điện tử đạt 99,93%. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước tại cấp tỉnh, huyện đạt 100% (102.633 văn bản gửi đi), cấp xã đạt 99,99%.
Địa phương này cấp hơn 5.000 tài khoản thư điện tử cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân. Tất cả các sở, ngành và UBND các cấp có hộp thư đơn vị và trên 95% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện có hộp thư cá nhân phục vụ công việc. Quá trình dùng thư điện tử được đánh giá đạt hiệu quả khi tỷ lệ sử dụng đạt 92%.
Sở cũng đánh giá ứng dụng "Long An Số", tổng đài 1022 cùng hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị góp phần thay đổi cách tương tác của người dân, doanh nghiệp với chính quyền. Trong năm nay, các cổng này tiếp nhận hơn 1.400 phản ánh, đạt tỷ lệ trả lời đúng hạn 89%.
Ứng dụng Long An Số trên nền tảng di động giúp người dân tiếp cận nhiều dịch vụ như hành chính công, điện nước, giao thông, giáo dục, y tế, việc làm. Theo Sở, đến nay có hơn 316.000 lượt tải, tăng hơn 100.000 so với 2023.
Toàn bộ các cơ sở y tế, giáo dục đã áp dụng thanh toán không tiền mặt. Ở mảng thương mại, các sản phẩm trên địa bàn được khuyến khích, tạo điều kiện quảng bá trên nhiều sàn thương mại điện tử, trong đó có các sàn riêng của tỉnh Long An.
Phát triển thương mại điện tử cũng là hoạt động được đẩy mạnh thời gian qua. Theo thông tin từ Sở Công Thương, tỉnh đang tập trung vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch. Tỉnh cũng phát triển các phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng, phần mềm quản lý kinh doanh xăng dầu.
Nhiều doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel cũng đồng hành cùng địa phương triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh bằng thẻ tín dụng, thẻ ATM, Mobile Money. Các đơn vị cũng mời cộng đồng doanh nghiệp tham gia đoàn xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới tại Nhật Bản.
Ông Phạm tấn Hòa - Phó chủ tịch UBND, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số cho biết các kết quả trên một phần có sự đóng góp của mô hình Tổ chuyển đổi số cộng động. Tính đến tháng 8, tỉnh có 996 tổ ở khắp các huyện, thị. Tổ này có vai trò hướng dẫn, giúp người dân tiếp cận, hiểu, biết cách dùng các ứng dụng số hóa phổ biến, tăng tính tương tác với chính quyền.
Chẳng hạn, thành viên của tổ sẽ hướng dẫn đăng ký, tích hợp giấy tờ lên VneID, thanh toán trực tuyến, tiếp cận các sàn thương mại,...
Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh được đầu tư. Mạng cáp quang băng rộng triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn và tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 88,9%. Tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 99,9%. Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 83,6%.
Các nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số được đánh giá giúp địa phương tăng năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, đời sống người dân trở nên tiện lợi, hiện đại hơn. Năm 2023, Long An xếp thứ 12 cả nước, thứ hai vùng Đồng bằng sông Cửu Long về chỉ số đổi mới sáng tạo PII.
Hoài Phương
Đọc bài gốc tại đây.