Mở rộng thị trường, khai thác hiệu quả nội lực quốc gia để phát triển

08/04 10:00
 

Kinh tế thế giới chịu tác động tiêu cực khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp chính sách thuế đối ứng lên các các hàng hóa được nhập...

Kinh tế thế giới chịu tác động tiêu cực khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp chính sách thuế đối ứng lên các các hàng hóa được nhập khẩu từ các quốc gia. Cũng chịu ảnh hưởng lớn, Việt Nam đã triển khai các biện pháp ứng phó nhanh và tích cực. Như Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper đánh giá, cuộc điện đàm cấp cao ngày 4.4 vừa qua giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump, là cuộc điện đàm đầu tiên của Tổng thống Trump với một nhà lãnh đạo nước ngoài sau khi công bố áp thuế, thể hiện sự trân trọng và quan tâm của hai nhà lãnh đạo đối với quan hệ hai nước.

Ngày 5.4, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc lên đường đến Mỹ để đàm phán các nội dung liên quan đến thuế quan. Hy vọng hai bên sẽ đạt được những thỏa thuận vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước, thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế, thương mại tốt đẹp giữa hai quốc gia.

Cùng với các phản ứng đối ngoại, còn có nhiều việc phải làm ngay để ổn định và phát triển kinh tế, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Đặt ra những giải pháp tích cực để đảm bảo tăng trưởng 8% năm nay.

Trước hết là mở rộng thị trường, nếu chỉ phụ thuộc và một hoặc hai thị trường chủ lực thì rủi ro rất cao. Thế giới có nhiều biến động khôn lường, từ xung đột, chiến tranh, dịch bệnh cho đến các chính sách thương mại không như kỳ vọng, cho nên không thể không có sự linh hoạt trong chiến lược xuất khẩu hàng hóa.

Thứ hai là khai thác tài nguyên du lịch. Một đất nước tươi đẹp, an ninh, an toàn, thân thiện mà không làm giàu được bằng ngành "công nghiệp không khói" là lãng phí. Nói thẳng thắn, Việt Nam chưa làm du lịch hiệu quả như các nước kém tài nguyên du lịch hơn.

Thứ ba, ngoài sản xuất và xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cần phải khai thác được nguồn lực đất nước trong phát triển kinh tế số, làm ra các sản phẩm công nghệ cao. Một "đại bàng" công nghệ như NVIDIA đã thỏa thuận hợp tác với Chính phủ Việt Nam, ngoài ra còn có Qualcomm, Google, Meta, LAM Research... đã có kế hoạch chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.

Lúc này, cần chủ động các quyết sách để hiện thực hóa việc hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới về công nghệ, khai thác được nguồn nhân lực để phát triển lĩnh vực kinh tế này. Hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, làm ra sản phẩm bằng tài nguyên chất xám, đó là cách đi mà Việt Nam đã lựa chọn và hoàn toàn có thể thực hiện thành công.

Đọc bài gốc tại đây.