Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em

21/01 16:50
 

Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Bình Phước vừa tổ chức Hội thảo khoa học đề tài cấp tỉnh “Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước”.

Tham dự buổi Hội thảo, có ông Ngô Văn Đạt, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước; ông Đặng An Thanh, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Phước, ông Vũ Ngọc Long, đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Phước; ông Phan Xuân Linh, Hiệu trưởng Trường chính trị tỉnh Bình Phước; TS Nguyễn Quốc Hân chủ nhiệm đề tài; Thạc sĩ Lê Văn Quang - Viện trưởng VKS huyện Bù Gia Mập thư ký đề tài; các thành viên Ban Đề tài cùng lãnh đạo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước; lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Phước; lãnh đạo Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Bình Phước.

Cùng dự có các đồng chí Kiểm sát viên (KSV), Điều tra viên (ĐTV), Thẩm phán và công chức của các cơ tiến hành tố tụng tỉnh Bình Phước, các Giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Bình Phước và các cơ quan trên địa bàn có chuyên môn liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em.

Căn cứ Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 09/01/2023 của UBND tỉnh Bình Phước về việc phê duyệt thuyết minh đề cương đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh: “Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước”, đồng thời giao cho VKSND tỉnh Bình Phước cơ quan tổ chức chủ trì Đề tài. Đề tài do TS Nguyễn Quốc Hân, Viện trưởng VKSND tỉnh Trà Vinh làm Chủ nhiệm cùng với 06 thành viên tham gia thực hiện.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Quốc Hân - Chủ nhiệm đề tài cho biết, nhóm đã thực hiện nhiệm vụ khảo sát thực trạng, đánh giá tình hình công tác thực hành quyền công tố (THQCT), kiểm sát điều tra (KSĐT) các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong thời gian 2016 - 2022, nhằm đưa ra các giải pháp phục vụ cho nghiên cứu mà UBND tỉnh Bình Phước đã giao nhiệm vụ cho nhóm nghiên cứu.

Tại hội thảo, các đại biểu và thành viên Ban đề tài đã nêu bật tính cấp thiết, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài; thực trạng công tác THQCT, KSĐT các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em; cùng với đó, các đại biểu trao đổi thẳng thắn, đánh giá khách quan, chia sẻ nhiều quan điểm, góc nhìn về các vấn đề lý luận và thực tiễn công tác THQCT, KSĐT các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói riêng.

Hội thảo khoa học đã nhận được 08 tham luận liên quan đến công tác THQCT, KSĐT các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em; với nhiều góc độ, phương diện, phạm vi tiếp cận, nghiên cứu khác nhau, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với công tác THQCT, KSĐT các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em; đồng thời cung cấp thông tin, chia sẻ, thảo luận về các vấn đề lý luận, pháp lý, thực tiễn liên quan đến công tác THQCT, KSĐT các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em, làm cơ sở để đề ra các giải pháp, kiến nghị thiết thực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động THQCT, KSĐT các vụ án xâm phạm trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước; bảo đảm cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Theo TS Nguyễn Quốc Hân, trong một số vụ án cụ thể KSV, VKSND hai cấp tỉnh Bình Phước chưa theo sát tiến độ điều tra, không kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra của ĐTV. Vì vậy, một số vụ án Cơ quan điều tra (CQĐT) hai cấp tỉnh Bình Phước chưa làm hết trách nhiệm, hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng còn sơ sài; đấu tranh, khai thác chưa triệt để; hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, định giá tài sản, vật chứng… của CQĐT còn thiếu thận trọng, tỉ mỉ.

Việc thu thập tài liệu xác định tuổi của bị hại là trẻ em do còn nhiều nhận thức về định tội danh như (hành vi quan hệ khác), nhận thức về đánh giá chứng cứ, thu thập chứng cứ, kết quả giám định còn có nhiều cách hiểu và nhận thức khác nhau của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh Bình Phước không thống nhất dẫn đến nhiều vụ án phải trả hồ sơ để điều tra nhiều lần.

Theo nhóm nghiên cứu, số vụ án hủy, sửa còn nhiều, số vụ án xảy ra nhiều nhưng chưa xác định được người thực hiện hành vi phạm tội dẫn đến việc giải quyết nguồn tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố cũng như khởi tố vụ án sau đó phải tạm đình chỉ hoặc do hết thời hạn điều tra không chứng minh được tội phạm vẫn còn xảy ra. Việc này dẫn đến nhiều vụ án bị khiếu kiện kéo dài, dư luận quan tâm, báo chí phản ánh, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân làm giảm niềm tin đối với Đảng và nhân dân giao phó cho ngành KSND hai cấp tỉnh Bình Phước.

Do đó, theo TS Hân, đòi hỏi KSV, công chức của VKSND hai cấp tỉnh Bình Phước ngoài kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ còn phải hiểu biết về tâm lý của trẻ em để áp dụng vào thực tiễn công tác; kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, kiến nghị cơ quan liên quan khắc phục và áp dụng những biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Những điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THQCT, kiểm sát việc giải quyết vụ án xâm phạm tình dục trẻ em mà còn khẳng định hơn nữa vị thế, vai trò của VKSND trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Đọc bài gốc tại đây.