Nẹt pô xe máy bị phạt gấp 10 lần ôtô để dẹp loạn tiếng ồn

22/01 13:08
 

Theo quy định mới nhất, hành vi rú ga, nẹt pô liên tục ở xe máy bị phạt tiền cao gấp 10 lần so với xe ôtô.

Theo quy định mới nhất, hành vi rú ga, nẹt pô liên tục ở xe máy bị phạt tiền cao gấp 10 lần so với xe ôtô.

Tại điểm b, khoản 3 Điều 6 Nghị định 168, người điều khiển xe ôtô "sử dụng còi, rú ga liên tục..." bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng; không bị trừ điểm hoặc tước giấy phép lái xe.

Cũng hành vi vi phạm tương tự, nhưng đối với xe máy sẽ bị phạt cao hơn. Tại điểm k, khoản 9 Điều 7 Nghị định 168, người điều khiển xe môtô "sử dụng còi, rú ga (nẹt pô) liên tục trong khu đông dân cư..." bị phạt tiền từ 8 triệu đến 10 triệu đồng. Đồng thời, bị tước giấy phép lái xe từ 10-12 tháng theo quy định tại điểm b khoản 12 Điều 7.

Không phải hành vi vi phạm giao thông nào đối với người điều khiển ôtô cũng bị phạt cao hơn xe máy. Theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP, có những hành vi vi phạm ở xe máy có mức xử phạt cao hơn so với xe ôtô. Quy định xử phạt có căn cứ, hợp lý, khoa học, không phải máy móc, cứ xe to phạt to, xe nhỏ phạt nhỏ.

Như đối với quy định xử phạt hành vi nẹt pô, người điều khiển xe máy thường vi phạm nhiều hơn đối với ôtô. Tình trạng rú ga khi đi xe máy rất phổ biến, gây ồn ào, bất an trong các khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là vào ban đêm.

Các băng nhóm đi xe máy, tụ tập đông, kéo nhau nẹt pô, hùa theo cổ động những tay đua trái phép, tạo ra sự hỗn loạn, gây mất trật tự công cộng và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Phạt hành vi rú ga liên tục cũng sẽ "răn đe" các băng nhóm đua xe trái phép, góp phần lập lại trật tự giao thông và trật tự xã hội.

Nhiều ý kiến cho rằng, xử phạt mức cao với hành vi nẹt pô là rất xác đáng, sẽ có tác động đến cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức về chấp hành pháp luật giao thông. Ai cũng sợ mất tiền, cho nên sẽ không dại dột gây ồn ào để phải bỏ ra 10 triệu đồng nộp phạt.

Tuy nhiên, để dẹp được nạn nẹt pô trong các khu dân cư, thì phải kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm. Có luật nhưng phải áp dụng và thực thi triệt để thì mới có sự chuyển biến tích cực.

Từ khi Nghị định 168 đi vào đời sống đến nay, đã có sự thay đổi rõ rệt trên phạm vi toàn quốc. Người dân có ý thức chấp hành luật tốt hơn, các chỉ số về tai nạn giao thông đều giảm, đó là điều rất đáng mừng.

Đối với những tồn tại chưa hợp lý về hạ tầng giao thông cần phải điều chỉnh, tạo điều kiện cho người chấp hành luật tốt hơn và lưu thông thuận lợi.

Đọc bài gốc tại đây.