Huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, có khoảng 1.000ha đất trồng cây đào, trong đó cành và cây đào trồng luôn mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Những ngày này, tại tỉnh Sơn La, thị trường đào Tết đang rất nhộn nhịp. Nhiều thương lái đến thu mua cành, cây đào đưa về miền xuôi tiêu thụ. Nhờ đó, người trồng đào có thu nhập cao, cuộc sống ngày càng nâng lên.
Hiện nay, tại huyện Vân Hồ có khoảng 1.000ha đất trồng cây đào. Cành và cây đào trồng luôn mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân trong dịp Tết cổ truyền hàng năm.
Lóng Luông là một trong những xã có diện tích trồng đào lớn nhất của huyện Vân Hồ. Những năm gần đây, chính quyền xã đã vận động, khuyến khích người dân trồng, đầu tư chăm sóc, phát triển cây đào. Bởi vậy, cây đào là loại cây trồng chủ lực, là nguồn thu nhập chính của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Là hộ trồng, bán cành đào từ 15 năm nay, anh Mùa A Thu, dân tộc Mông, bản Co Chàm, xã Lóng Luông, cho biết ngay từ khi còn nhỏ, anh Thu đã theo chân ông nội và bố lên nuơng để trồng đào. Theo anh Thu, trước kia cây đào chủ yếu là bán quả nên thu nhập không cao.
Những năm gần đây, cành, cây đào được nhiều thương lái từ các tỉnh, thành phố đến thu mua mang về miền xuôi tiêu thụ. Nhờ đó, cây đào đã mang lại giá trị cao, ổn định hơn cho các hộ trồng.
Hiện nay, gia đình anh Thu có gần 4 ha trồng 500 cây đào, những cây trồng được khoảng 6 năm trở đi thì có thể bán được cành với giá cao.
Đặc biệt, gia đình anh Thu có nhiều cây đào trồng được 30 năm. Cùng với đó, gia đình anh chú trọng đầu tư, chăm sóc cho cây đào nên cành to, nhiều nụ, hoa nở đẹp, lâu tàn.
Hằng năm, trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, thương lái từ các tỉnh, Thanh Hóa, Nghệ An và thành phố Hà Nội đã đến để đặt cọc tiền thu mua cành, gốc đào ghép.
Năm nay, gia đình anh xuất bán được khoảng 1.000 cành đào, 100 gốc ghép đào phai (được khoảng 350 triệu đồng) và 150 triệu đồng từ bán quả đào.
Còn gia đình anh Mùa A Đùa, bản Co Chàm, xã Lóng Luông, cho hay trước đây gia đình anh sinh sống chủ yếu bằng nghề sửa chữa xe máy, cũng không có nhiều đất để trồng đào. Nhận thấy cây đào của địa phương có tuổi đời lâu năm, rong rêu bao phủ gốc, được thị trường dưới xuôi ưa chuộng. Hai năm trở lại đây, anh Đùa đã bắt đầu tìm mua những gốc đào cổ thụ của người dân địa phương về ghép.
Năm 2025, dự kiến anh xuất bán ra thị trường gần 500 gốc đào, với giá bán từ 1,5 triệu đồng đến 15 triệu đồng/gốc, bình quân được 3 triệu đồng/gốc, thu nhập 1,5 tỷ đồng.
Theo đánh giá của nhiều thương lái, đào năm nay hoa đẹp, nở đúng dịp Tết, vì vậy, giá bán cao hơn năm trước.
Tùy theo kiểu dáng, có nhiều nụ hay ít nụ và từng giống đào, nhiều hộ còn bán cây, gốc đào ghép với giá từ vài triệu đồng, những cây trồng lâu năm, có rêu, mốc, gốc xù xì, dáng thế đẹp có giá tới vài chục triệu đồng.
Anh Nguyễn Ngọc Long, thương lái tỉnh Thanh Hóa, cho hay từ nhiều năm nay, cứ mỗi dịp gần Tết Nguyên đán, anh Long cùng với một số bạn bè lại lên Vân Hồ để thu mua cành đào.
Khách hàng dưới xuôi rất chuộng, bởi đào trồng ở tỉnh Sơn La nói chung, huyện Vân Hồ nói riêng được chăm sóc, phát triển tự nhiên, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên có hoa to, đẹp, nhiều nụ và rong rêu bám vào thân cây. Hơn nữa, cành đào cũng có các mức giá khác nhau, thích hợp với nhiều đối tượng khách nên rất dễ bán, không lo bị ế hàng.
Hiện nay, cây đào được người dân trồng ở quanh nhà, trên nương, đồi, tập trung tại bản Pa Kha, Lóng Luông, Co Chàm thuộc xã Lóng Luông và một số xã vùng cao của huyện Vân Hồ. Vào mùa hoa đào nở, nhiều hộ dân đã đầu tư phát triển du lịch để du khách đến tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh. Nhờ đó, cũng giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Giàng A Dê, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lóng Luông, thông tin cây đào là một trong những cây trồng chủ lực của xã, dịp Tết Nguyên đán là vụ thu hoạch chính.
Những năm gần đây, xã tổ chức Ngày hội hoa đào để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc xã Lóng Luông và tôn vinh nét đẹp của hoa đào, cảnh sắc thiên nhiên trên địa bàn xã.
Ngày hội đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch; giúp người dân trên địa bàn xã tiêu thụ đào tốt hơn, vươn lên xóa đói giảm nghèo và trở thành hộ khá, giàu.
Phát huy điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi, những năm trở lại đây, diện tích trồng cây đào của huyện Vân Hồ luôn được duy trì ổn định. Cây đào đã mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ trồng đào, nhiều hộ đã có thu nhập hàng triệu đồng/năm. Nhờ đó, đời sống đồng vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong huyện ngày càng nâng cao./.
Đọc bài gốc tại đây.