Người miền Tây 'chở Tết' về TP.HCM

24/01 06:56
 

Các làng hoa lớn nhất miền Tây như Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), Cái Mơn, Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), Mỹ Phong (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)... từ Rằm tháng Chạp bắt đầu thu hoạch hoa Tết sau 4-6 tháng trồng, chăm sóc vụ hoa lớn nhất năm. Năm nay, làng hoa Sa Đéc đưa ra chợ Tết Ất Tỵ hơn 2 triệu giỏ hoa các loại. Hoa chủ lực vẫn là những giống truyền thống như cúc mâm xôi, vạn thọ, hồng, dừa cạn, dạ yến thảo... Chợ Lách cung ứng hơn 10 triệu sản phẩm...

Các làng hoa lớn nhất miền Tây như Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), Cái Mơn, Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), Mỹ Phong (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)... từ Rằm tháng Chạp bắt đầu thu hoạch hoa Tết sau 4-6 tháng trồng, chăm sóc vụ hoa lớn nhất năm. 

Năm nay, làng hoa Sa Đéc đưa ra chợ Tết Ất Tỵ hơn 2 triệu giỏ hoa các loại. Hoa chủ lực vẫn là những giống truyền thống như cúc mâm xôi, vạn thọ, hồng, dừa cạn, dạ yến thảo... 

Chợ Lách cung ứng hơn 10 triệu sản phẩm hoa, kiểng các loại ra thị trường Tết, nhiều nhất là các loại cúc, vạn thọ, màu gà, hoa giấy...

Năm nay, khoảng 80% lượng hoa đã được các nhà vườn chốt bán với thương lái từ sớm và bắt đầu thu hoạch khoảng tuần đầu tháng Chạp. Nông dân cho biết có 3 đợt chuyển hoa ra chợ Tết trong nước. Đợt đầu chuyển lượng lớn ra thị trường các tỉnh miền Bắc và Hà Nội trước Rằm tháng Chạp. Đợt 2 là dịp cúng ông Công, ông Táo và đợt 3 là bán cận Tết đi TP.HCM và các tỉnh lân cận. 

Những ngày này, hoa Tết chủ yếu về TP.HCM và các tỉnh lân cận. 2 loại hoa tiêu thụ mạnh nhất thị trường Tết là cúc mâm xôi và hoa giấy. Giá mỗi chậu hoa giấy nông dân bán tại vườn từ 170 nghìn đồng đến vài chục triệu đồng tùy loại.

Năm nay ở các làng hoa, cúc mâm xôi truyền thống được mùa. Đây vẫn là loại hoa được ưa chuộng nhất dù thị trường có thêm các giống mâm xôi mới từ Đài Loan, Hàn Quốc nhiều màu sắc rực rỡ. Giá bán cúc mâm xôi tại vườn từ160-190 nghìn đồng/cặp, trong khi giá bán tại các chợ hoa Tết TP.HCM đang quanh mức 300-400 nghìn đồng/cặp. 

Một điều đặc biệt của các nhà vườn là tập trung chuyển hoa đi nhiều nhất vào ngày 19 Âm lịch hàng năm, vì họ tin đây là ngày đẹp, mang lại may mắn, buôn may bán đắt nên ngày này hoa được thu hoạch, chuyển đi liên tục suốt ngày đêm. 

Ông Khương, 57 tuổi, ở thủ phủ hoa giấy Phú Sơn, huyện Chợ Lách, cho biết đây là khoảng thời gian có thêm thu nhập Tết nhờ vác hoa thuê cho nhà vườn. Ông làm liên tục trong 1-2 tuần cận Tết. 

Do đặc điểm địa hình sông nước, xe tải nhỏ, xe ba gác, xuồng là phương tiện chở hoa chủ yếu của người miền Tây để tập trung về địa điểm thuận lợi chuyển lên xe tải lớn. Một số nhà vườn cũng sử dụng thuyền chở hoa kiểng lên TP.HCM tiêu thụ. 

Theo tìm hiểu, một xe ba gác máy vào ngày cao điểm có thể chở khoảng 20 chuyến hoa cho nhà vườn, thu nhập 5-10 triệu đồng. 

Mỗi làng hoa ở miền Tây thường tập trung vào một loại hoa thế mạnh. Tại làng hoa Mỹ Phong (TP Mỹ Tho), vạn thọ là loại hoa được trồng nhiều nhất. Nhà vườn này đang thu hoạch 7 công hoa vạn thọ đưa ra chợ Tết Ất Tỵ, với giá bán sỉ 30 nghìn đồng/cây loại lớn, hoa nở đều, đẹp.

Từ sau 23 tháng Chạp, hoa Tết ngoài đi TP.HCM sẽ được nhà vườn thu hoạch bán tại các chợ địa phương và khách vãng lai. 

Trước Tết Ất Tỵ 2025, tuyến đường Hoa - Kiểng 15 cây số ở xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục là đường hoa dài nhất Việt Nam. Đường hoa đang trưng bày các loại hoa kiểng như hồng lộc, vạn niên tùng, giấy, cúc… và mở cửa cho khách tham quan, chụp ảnh miễn phí. 

Đọc bài gốc tại đây.