Nghị định 168 đi vào đời sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong giao thông Thủ đô

17/01 10:43
 

TPO - Sau khi có hiệu lực thi hành, Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã mang lại những thay đổi rõ rệt trong ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân Thủ đô. Điều đó thể hiện ngay tại các ba, ngã tư có đèn tín hiệu, người dân dừng chờ thành hàng ngay ngắn trước vạch đã tạo nên diện mạo giao thông văn minh hơn.

Xe máy, ô tô xếp thẳng hàng chờ đèn đỏ tại ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển.

Nghị định 168/2024/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 168) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX), thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP), chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Ngay từ đầu năm 2025, lực lượng CSGT Thủ đô đã tập trung triển khai kế hoạch cao điểm, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phổ biến như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, nồng độ cồn.

Đồng thời, phối hợp khảo sát, khắc phục bất cập về tổ chức giao thông, điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu, và giám sát chặt chẽ các công trình thi công.

Sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168, CSGT toàn thành phố đã xử lý 12.267 trường hợp vi phạm, trong đó, 1.261 trường hợp bị trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Đặc biệt việc áp dụng hình thức trừ điểm GPLX cũng đã góp phần nâng cao ý thức tự giác của người dân. Qua đó, tình trạng tài xế vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều đã giảm rõ rệt.

Đáng chú ý, nửa đầu tháng 1/2025, tai nạn giao thông (TNGT) tại Thủ đô giảm đáng kể. Qua thống kê, xảy ra 48 vụ, so sánh với cùng kỳ năm 2024 là 58 vụ, giảm 10 vụ, tương đương 17%. Và so sánh với thời gian liền kề xảy ra 53 vụ, giảm 5 vụ, tương đương 9%.

Các phương tiện dừng chờ trước vạch khi có đèn đỏ.

Chấp hành giao thông ngay cả khi không có CSGT

Ghi nhận của phóng viên trong những ngày qua, tại các tuyến đường lớn, ngã ba, ngã tư... đa số tài xế chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, dừng xe ngay ngắn trước vạch khi đèn tín hiệu chuyển sang đỏ.

Thậm chí, trước đây có những người khi đèn xanh còn 3-4 giây thì cố tăng tốc để vượt qua, thì nay họ đã đi chậm lại và dừng xe để bảo đảm an toàn.

Chị Nguyễn Thu Hường (sống tại Hà Nội) chia sẻ, trước đây khi đi qua ngã ba, ngã tư có một số tài xế (xe ôm, xe ôm công nghệ, chở hàng, thanh niên ngổ ngáo...) cố tình vượt đèn đỏ, khiến những người đi từ hướng đèn xanh phanh dúi dụi nhường đường.

"Có trường hợp tài xế ở phía sau muốn vượt đèn đỏ còn bấm còi inh ỏi, nói mọi người dừng chờ phía trước phải tránh ra để họ đi khiến ai cũng bức xúc nhưng không thể làm gì được" - chị Hường kể.

Chị Hường cho biết, từ khi Nghị định 168 có hiệu lực tại các ngã ba, ngã tư hầu hết mọi người đều chờ đèn đỏ, ít thấy ai vượt đèn đỏ, ngay cả khi không có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ.

Lực lượng CSGT Hà Nội phân luồng giao thông tại các nút giao trọng điểm.

Xây dựng môi trường giao thông an toàn

Theo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, hiện nay áp lực giao thông trên các tuyến đường vẫn rất lớn, nhất là dịp cuối năm khi lượng phương tiện gia tăng đột biến. Trong khi đó, Hà Nội đang quản lý hơn 8,1 triệu phương tiện, chiếm phần lớn là xe máy.

Điển hình, các tuyến trọng điểm như cầu Thanh Trì, vành đai 3, cầu Chương Dương đều có lưu lượng vượt thiết kế gấp 6-8 lần. Nhiều tuyến phố như Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng – Nguyễn Chánh cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Nguyên nhân ùn tắc không chỉ do phương tiện gia tăng, mà còn có sự bất cập trong tổ chức giao thông. Hệ thống giao thông tĩnh thiếu hụt, nhiều khu vực chưa có bãi đỗ xe phù hợp. Các công trình thi công kéo dài, biển báo và vạch sơn chưa đồng bộ, đường vành đai chưa khép kín cũng khiến giao thông thêm áp lực.

Bên cạnh đó việc rào chắn thi công các công trình giao thông, thiếu điểm đỗ xe hợp lý và tổ chức giao thông chưa hợp lý là những yếu tố khiến tình trạng ùn tắc giao thông càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Nhiều trường hợp vi phạm bị xử phạt theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội, cho biết dịp cuối năm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, do đó, lực lượng CSGT tiếp tục triển khai các giải pháp ứng phó, tăng cường phân luồng, điều tiết giao thông tại tất cả các nút giao và tuyến trọng điểm.

Đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hoàn thiện các công trình giao thông, khắc phục bất cập về tổ chức giao thông, và triển khai phương án phân luồng giao thông hợp lý nhằm bảo đảm tình hình giao thông ổn định cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Sau hơn nửa tháng, Nghị định 168 đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức tuân thủ luật giao thông, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh tại Thủ đô.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả bền vững, cần sự hợp tác của tất cả người dân trong việc tự giác chấp hành các quy định, giảm thiểu việc sử dụng phương tiện cá nhân và ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Đọc bài gốc tại đây.