Nghiệp đoàn trắng đêm

17/01 06:00
 

TP - Khi phố phường đã chìm vào giấc ngủ, chợ đầu mối Hòa Cường (TP Đà Nẵng) vẫn nhộn nhịp người và xe cộ vào ra. Gần Tết, đoàn xe nông sản khắp nơi đổ về nhiều hơn, đồng nghĩa với những người làm nghề cửu vạn quần quật từ đêm đến sáng giữa tiết trời mưa lạnh. Nghiệp đoàn bốc xếp vận chuyển trắng đêm ở chợ đầu mối dẫu nhọc nhằn, nhưng ai cũng gắng chịu rét để Tết ấm hơn.

Rệu rã tay chân

Gần 20h, những chiếc container nối nhau vào chợ đầu mối. Khoảng sân trước chợ dội lên âm thanh hỗn độn từ động cơ xe gầm gào, tiếng hô gọi nhau, tiếng lạch cạch từ những xe đẩy nối đuôi đi tới. Xe đỗ xịch lại, mấy thanh niên nhanh nhẹn ra mở cửa rồi nhảy vọt lên thùng.

Không ai bảo ai, một anh tự giác đi vào sâu trong thùng, hai người đứng gần ngay cửa tạo thành dây chuyền để chuyển hàng. Lúc này, hàng chục người bốc vác kéo theo xe cũng đã vây quanh bên ngoài. Mấy cậu trai trẻ chỉ mang chiếc áo mỏng, những người trung niên đội mũ, khoác thêm áo, chốc chốc lại xoa ấm hai bàn tay áp lên mặt.

Xe hàng đổ về chợ đầu mối Hòa Cường mỗi đêm, đội bốc vác luôn có mặt sẵn để chuyển hàng. Ảnh: Thanh Hiền

Ông Nguyễn Ngọc Hậu (50 tuổi) đôi mắt trũng sâu vì thức ngủ vừa đứng đợi hàng, vừa kể đêm nào cũng có mặt ở chợ đầu mối, bất kể trời mưa gió. Những ngày trước rằm, mồng 1 âm lịch hằng tháng, gần dịp lễ thì đi sớm hơn vì xe về nhiều.

Đang dở câu chuyện, ông Hậu thấy anh thợ bốc hàng ra hiệu liền đẩy xe tới, chờ chất đủ 10 thùng trái cây lên, ông vội kéo đi để nhường chỗ cho người khác.

Ra khỏi đám đông, ông bước về phía quản lý đang đội chiếc đèn pin trên đầu rọi vào cuốn sổ để được chỉ định chuyển hàng đến ki-ốt nào trong chợ. “Ngày thường làm tới 2 - 3 giờ sáng. Gần Tết hàng về nhiều hơn, làm tới khi nào hết mới nghỉ, sớm thì 4 - 5 giờ, có hôm tới tận 7h”, ông nói.

Trần Ngọc Hải (22 tuổi, quê Bình Định) cũng chất lên xe đủ 10 thùng quýt rồi gù lưng, căng tay kéo, chân bước thoăn thoắt đến từng quầy. Với Hải, trời nóng bức, buốt lạnh đến mấy cũng chịu được, chỉ mong đừng mưa, phần vì sân chợ trơn dễ trượt, phần nước thấm ướt vào người dễ ốm.

Mỗi đêm, chàng trai người nhỏ thó, mặt non choẹt này kéo hàng trăm thùng hàng đi khắp chợ. Nhưng cũng có hôm sụt sịt, mới được năm bảy chục thùng thì bước không nổi đành xin nghỉ, sợ gắng nữa quá sức thành ốm nặng. Cậu kinh nghiệm, chuyển hàng trái cây không chỉ cần sức mà còn cần cả khéo léo, vì lỡ va đập, rơi rớt là bầm dập hết của tiểu thương.

Mỗi chuyến container về, mọi người phải chia nhau bốc vác, vận chuyển hàng cả tiếng đồng hồ mới xong. Ai cũng tất bật không ngừng nghỉ vì sợ xe sau nối đuôi vào làm không kịp việc. Nhất là sát ngày Tết, đến 7h sáng vẫn còn xe.

Những đôi chân sau một đêm đi quanh chợ, đôi tay bốc, bưng, kéo đến phồng rộp tưởng chừng như rụng rời, chẳng còn sức làm việc gì khác. Có bữa dầm mưa cả đêm đến sáng, mọi người chẳng buồn ăn, chỉ chạy nhanh về nhà trùm chăn ấm đi ngủ vì người đã oặt như cọng bún.

Nghiệp đoàn bốc xếp vận chuyển ở chợ đầu mối Hòa Cường có khoảng 80 người, chia nhau làm theo ca. Trong nghiệp đoàn, nhiều người thâm niên hàng chục năm tuổi nghề. Như ông Trần Văn Khôi, từ thuở còn bốc vác ở chợ Cồn năm 1999, đến năm 2005 chợ đầu mối Hòa Cường hoạt động, ông chuyển lên và gắn bó cho tới bây giờ.

Ông cười: “Hơn 25 năm rồi tôi cùng các anh em ở đây không có giấc ngủ đêm. Bây giờ tôi làm quản lý, ghi sổ sách, nhưng khi cần vẫn ra bốc xếp, kéo xe, không thua gì lớp trai trẻ cả”. Rồi ông tếu táo bảo, sắm cái điện thoại ra nhưng thường dặn người quen có việc gì thì đợi tối, mà tốt nhất là khuya hẵng gọi điện vì đó là giờ tỉnh táo nhất. Còn ban ngày ông và mọi người trong đội đều phải ngủ bù.

Những thùng hàng được chuyển đi các quầy hàng trong chợ và các tuyến đường xung quanh Ảnh: Thanh Hiền

Vì cái Tết ấm

Đêm càng về khuya càng lạnh, những chiếc container vào chợ mỗi lúc một nhiều. Mọi người bảo ngày thường khoảng 12, 13 xe, nhưng gần Tết thì trên dưới 20 xe, đặc biệt từ 25 tháng Chạp trở đi. Hàng càng nhiều, việc càng nặng, họ chỉ tranh thủ nghỉ ngơi khi đợi chuyến xe kế tiếp. Người mệt quá ngồi xoài xuống đất, người hớp vội miếng nước tăng lực hay bịch cà phê treo trên xe đẩy để xua cơn buồn ngủ.

Tôi nhìn quanh, thấy chẳng có ai mập mạp, mấy cậu thanh niên cười bảo sức trẻ, ăn cũng nhiều lắm nhưng không béo nổi vì công việc này thức đêm, bào sức, mau hao người. Lỡ có người yêu cũng không biết hẹn giờ nào vì tối đến đã lo cắm chân ngoài chợ.

Còn những người có gia đình, khát khao của họ không chỉ giấc ngủ ngon lành từ đêm đến sáng, mà còn là buổi tối quây quần bên vợ con, chỉ con học bài, cuối tuần cả nhà cùng nhau ra phố. Anh Ngô Văn Vũ (quận Cẩm Lệ) kể hơn 20 năm theo nghiệp đoàn bốc vác là từng ấy thời gian tối đến anh vắng nhà.

“Cuối chiều khi tụi nhỏ đi học về, tôi chỉ chơi với con một chút rồi ăn cơm, 7 giờ tối đã lên xe chạy xuống chợ rồi. Vợ con ở nhà tự bảo ban nhau, thương lắm nhưng công việc mình vậy, biết sao giờ”, anh trải lòng.

“Tết đến vừa được gặp gia đình, vừa được nghỉ ngơi, ngủ một giấc thật đã từ đêm tới sáng. Đó là điều mà nghề này không dễ có được”.

Trần Ngọc Hải

Công việc ngược giờ nhiều vất vả và thiệt thòi nhưng anh Vũ cũng như hàng chục người trong nghiệp đoàn vẫn bám trụ lại vì ổn định, hễ chợ đầu mối còn hoạt động thì không lo thiếu việc làm. Và hơn hết, cái nghề thâu đêm này đem đến nguồn thu nhập khá hơn so với nhiều công việc chân tay khác.

Anh Vũ nhẩm tính, mỗi thùng hàng cỡ vừa chuyển từ container vào chợ được trả 2.000 đồng. Mỗi đêm kéo khoảng 200 thùng, anh đã có được 300.000 đồng - 400.000 đồng.

Khoảng thời gian gần Tết công việc căng nhất, nhưng là thời điểm kiếm ra tiền nhiều nhất. Kéo từ đêm đến sáng nếu được 300, 400 thùng thì đã kiếm được 700.000 - 800.000 đồng, chưa kể được lì xì thêm.

“Vợ tôi ở nhà bán thịt heo, tôi làm phu kéo hàng, không giàu có gì nhưng lo đủ cho gia đình. Làm miết, tôi dần quên đi sự nặng nhọc, vất vả, thức đêm cũng chẳng thành vấn đề nữa. Chỉ mong mình đủ sức khoẻ để còn lao động dài lâu”, anh tâm tình.

Công việc nhọc nhằn, trắng đêm nhưng có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Thanh Hiền

Hơn hai năm trước, Trần Ngọc Hải từ quê Bình Định ra còn làm nhân viên chạy bàn cho quán nhậu, cũng làm quần quật luôn chân luôn tay, bị sai khiến đủ đường nhưng lương ba cọc ba đồng, Hải nghỉ. Cậu tìm đến chợ đầu mối, xin vào nghiệp đoàn bốc vác.

Mới đầu, vì nhỏ con sức yếu nên Hải chỉ kéo vài thùng đã bước loạng choạng. Nản, Hải lo mình không làm được. Nhưng khi tính tiền, thấy công khá cao nên cậu gắng. Đến bây giờ, Hải đã lành nghề, bền sức, đêm nào cũng kiếm được vài trăm nghìn.

“Em chưa lập gia đình, giờ đang thuê trọ ở Đà Nẵng để đi làm. Công việc này cho em nguồn thu nhập ổn. Những ngày Tết có khi tiền tăng gấp đôi. Dù mệt hơn thường nhưng em cũng gắng làm chăm chỉ để có tiền mang về cho gia đình”, Hải nói.

Đọc bài gốc tại đây.