Người chiến sĩ Điện Biên Phủ kể về chiếc vải dù cứu mạng nơi chiến trường

27/04 10:40
 

Thái Bình - 70 năm đã trôi qua nhưng ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", những tháng ngày "khoét núi,...

Thái Bình - 70 năm đã trôi qua nhưng ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", những tháng ngày "khoét núi, ngủ hầm" vẫn vẹn nguyên và là niềm tự hào của ông Hoàng Công Củng - người chiến sĩ Điện Biên Anh hùng.

Tự hào nhận huân chương ngay tại chiến trường

Đã ở tuổi 92, 65 năm tuổi Đảng, ông Hoàng Công Củng (ở xã Đông Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) vẫn nhớ như in ngày ông nhập ngũ, nhớ về những trận đánh năm xưa. Ông Củng chia sẻ: "Tháng 7.1952, tôi lên đường nhập ngũ, tôi cùng đồng đội tham gia các mặt trận Tây Bắc, Đông Xuân 1953 - 1954. Trong đó, chiến dịch Điên Biên Phủ là đáng nhớ nhất với những tháng ngày sống chiến đấu của tôi".

Ông Củng tham gia chiến dịch khi vừa tròn 20 tuổi, khi ấy ông là chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Củng và đồng đội có nhiệm vụ đánh chiếm cứ điểm đồi Độc Lập. Thực dân Pháp tuyên bố đồi Độc Lập là một trong những pháo đài bất khả xâm phạm và là trung tâm đề kháng duy nhất có 2 tuyến phòng ngự hoàn chỉnh buộc quân đội Việt Nam khi tiến công phải đột phá 2 lần.

Người chiến sĩ Điện Biên Hoàng Công Củng kể, trận đánh đồi Độc Lập, bộ đội ta không ai sợ hi sinh, ai cũng dũng cảm lao vào nhiệm vụ. Có những trận 3 Trung đội đi, lúc về quân số chỉ còn 1 Trung đội nhưng các chiến sĩ ta không ai tỏ ra sợ hãi mà còn trêu đùa nhau rồi tiếp tục chiến đấu.

"Tiểu đội của tôi chiếm được một đoạn hào 50m của Pháp, xác địch nằm la liệt, quân Pháp phản công dữ dội nhằm chiếm lại đoạn hào đó. Anh em trong Tiểu đội chiến đấu anh dũng, lần lượt ngã xuống. Lúc bấy giờ, trước khi hy sinh, đồng chí Tiểu đội phó giao nhiệm vụ cho 2 đồng đội còn sống là tôi và một chiến sĩ nữa phải giữ bằng được đoạn hào chữ T dài chừng 20m đến khi trời sáng.

Không chần chừ, tôi bình tĩnh hô đồng đội đi nhặt lựu đạn trên xác lính Pháp gom lại thành đống xung quanh mình. Hễ nghe tiếng bước chân, tiếng xì xồ là ném lựu đạn, xong hô to "xung phong". Quân địch nghe vậy sợ rút một lúc rồi lại điên cuồng tiến ra hòng chiếm lại đoạn hào này. Tôi và đồng đội cố thủ giữ vững đoạn hào suốt 2 tiếng đồng hồ, đẩy lùi nhiều đợt phản công, tiêu diệt hàng chục lính Pháp trước khi trời sáng. Đến 6h30, cờ Quyết chiến, quyết thắng của quân ta đã tung bay trên đồi Độc Lập thì tôi mới phát hiện 2 cánh tay mình tê cứng vì ném lựu đạn, giọng khản đặc vì hô xung phong" - ông Củng tự hào nói.

Chiến thắng đồi Độc Lập, chúng ta đã tiêu diệt 2/3 cứ điểm quan trọng ở phân khu Bắc, giữ vững đoạn hào khiến quân Pháp không thể rút chạy về phía Mường Thanh, góp phần ngăn chặn quân tiếp viện của địch cũng không thể tái chiếm đồi Độc Lập.

"Tôi nhớ như in sau chiến thắng đồi Độc Lập, với những thành tích xuất sắc, tôi được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba ngay tại chiến trường và được thăng chức lên Tiểu đội phó Tiểu đội súng máy" - ông Củng xúc động nhớ lại.

Chiếc dù cứu mạng nơi chiến trường

Nhiệm vụ tiếp theo sau khi tham gia chiến đấu giành chiến thắng trên đồi Độc Lập, ông Củng cùng khoảng 20 người đột kích vào sân bay Mường Thanh rải truyền đơn.

Tối hôm ấy, ngoài súng, lựu đạn, chạc ba đỡ hàng rào, mỗi người còn phải mang theo 1 bó truyền đơn. Ông Củng tranh thủ đọc qua tờ truyền đơn thì thấy viết bằng 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Thái, nội dung chủ yếu kêu gọi binh lính địch ra đầu hàng.

"Trong đêm rải truyền đơn, gặp sự cố nên tôi đề nghị đồng chí Đại đội phó cho anh em rút về, mình sẽ đi cuối cùng yểm trợ thì bị vướng lại trong vòng vây địch. Ở ranh giới sinh tử, thấy một hố đại bác giữa hàng rào tôi liền trượt ngay xuống, chui vào trong một chiếc dù. Lúc bấy giờ, tôi vui mừng vì đồng đội đã rút ra ngoài an toàn, còn lo vì mình đang nằm trong làn đạn của cả hai bên, đạn bay vèo vèo, cắm xuống đất ngay quanh mình" - ông Củng nhớ lại.

Người chiến sĩ Điện Biên kể tiếp, đã nhiều ngày chiến đấu, đêm thì đào giao thông hào, vừa mệt vừa đói vừa buồn ngủ, ông vùi người xuống đất, cẩn thận kéo chiếc dù che kín đầu, ông ngủ lúc nào không biết. Cho đến sáng, cái nóng của mùa hè như thiêu như đốt khiến ông bừng tỉnh, hé một góc dù để hít thở không khí bên ngoài.

Một mình nằm giữa vòng vây của quân thù, chỉ cần sơ hở một chút là có thể bị bắt sống hoặc bắn chết vì quân địch ra lấy hàng tiếp tế đến rất gần. Đợi đến khi trời tối, ông Củng quyết định cắt lấy một miếng vải dù - "ân nhân" cứu mạng mang về làm kỷ niệm rồi tìm đường rời cái hố để về đơn vị. Phải mất gần 30 phút ông mới thoát ra khỏi hàng rào cuối cùng, toàn thân đầy máu do hàng rào kẽm gai của địch móc vào.

Trở về sau trận chiến táo bạo giúp đồng đội rút lui an toàn, ông Củng được thăng chức Tiểu đội trưởng Tiểu đội súng máy, tiếp tục tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Củng nghẹn ngào nói: "Chỉ tiếc là sau một trận giao tranh ác liệt trên cánh đồng Mường Thanh, tôi bị thương nặng phải chuyển về hậu cứ. Nằm hôn mê mấy ngày, vừa tỉnh táo lại thì tôi nghe thông báo "Chúng ta đã chiến thắng tại Điện Biên Phủ", tôi vừa vui mừng, vừa tiếc nuối...".

Ông Lê Thế Triền - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đông Xá cho biết: "Ngày nay, dù tuổi ngoài 90 nhưng trong các dịp lễ lớn của dân tộc, UBND huyện Đông Hưng, UBND xã Đông Xá vẫn mời ông Củng đi kể chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" 70 năm về trước cho các lứa học sinh của huyện, của xã nghe".

Đọc bài gốc tại đây.