Người Việt Nam tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương từ bao giờ?

18/04 07:00
 

Hằng năm cứ đến ngày 10/3 Âm lịch, nghi lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tiến hành ở Phú Thọ, nơi phát tích của vương triều và cũng là kinh đô của nước Văn Lang xưa. Đây là quốc giỗ được tổ chức trọng thể, mọi người dân đều hướng tới. Nhiều gia đình cũng làm mâm cỗ cúng vua Hùng tại nhà mình như một hình thức tưởng nhớ công ơn tổ tiên và hướng về cội nguồn. Theo truyền thuyết, triều đại Hùng Vương có 18 đời vua. Theo Ngọc phả Hùng Vương được biên soạn...

Hằng năm cứ đến ngày 10/3 Âm lịch, nghi lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tiến hành ở Phú Thọ, nơi phát tích của vương triều và cũng là kinh đô của nước Văn Lang xưa. Đây là quốc giỗ được tổ chức trọng thể, mọi người dân đều hướng tới. Nhiều gia đình cũng làm mâm cỗ cúng vua Hùng tại nhà mình như một hình thức tưởng nhớ công ơn tổ tiên và hướng về cội nguồn.

Theo truyền thuyết, triều đại Hùng Vương có 18 đời vua. Theo Ngọc phả Hùng Vương được biên soạn thời Lê, vua Hùng đầu tiên là Kinh Dương Vương, đời thứ hai là Lạc Long Quân. Trong khi đó, truyện Con rồng cháu Tiên lại coi con trai trưởng của Lạc Long Quân - Âu Cơ mới là Hùng Vương đời thứ nhất, còn các ngài Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân là tổ tiên của các vua Hùng.

Dù ai là vua Hùng đầu tiên thì triều đại này cũng có nhiều người nối nhau trị vì. Vậy giỗ Tổ Hùng Vương cụ thể là giỗ ai? Ngày 10/3 Âm lịch có phải là ngày mất của một vị vua Hùng cụ thể nào đó?

Không thể có câu trả lời chính xác, vì thông tin về triều đại này chủ yếu nằm trong huyền sử, khó xác thực về chi tiết. Về logic thì Kinh Dương Vương thực sự là tổ của các vị vua Hùng nên giỗ Tổ Hùng Vương có thể là giỗ ngài. Đây cũng có thể là ngày giỗ vị vua Hùng đầu tiên (Kinh Dương Vương hoặc cháu nội ngài).

Tuy nhiên, thông tin trên tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940), đang được đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng lại cho thấy có thể chúng ta vẫn làm lễ theo ngày giỗ của vị vua Hùng cuối cùng.

Bia viết: “Trước đây, ngày quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai, Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định ngày mồng 10 tháng Ba hằng năm làm ngày quốc tế, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”.

Tuy không có câu trả lời chính xác về việc 10/3 là ngày giỗ vị vua Hùng nào nhưng dựa vào nghiên cứu lịch sử, chúng ta có thể biết được một cách tương đối lễ giỗ Tổ Hùng Vương có từ bao giờ.

Một số tài liệu lịch sử cho biết, ngày giỗ tổ đã có từ cách đây 2.000 năm. Dưới thời Thục Phán An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: "Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu thất hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập".

Các vương triều sau này cũng luôn khẳng định vai trò các vua Hùng trong việc xây dựng giang sơn. Hằng năm, người Việt dành một ngày để tưởng nhớ các vua Hùng bằng nghi lễ giỗ Tổ.

Xa xưa, người dân đến đền Hùng lễ bái vào bất cứ thời điểm nào mà họ cho là ngày tốt và có khả năng thu xếp, không cố định vào một ngày nào, nhưng đông nhất vẫn là mùa xuân, mùa thu.

Lễ cúng Tổ ở địa phương được cử hành vào ngày 12/3 Âm lịch kết hợp với thờ Thổ kỳ, thường con cháu ở xa về sẽ làm giỗ trước một ngày (11/3) chứ không mở hội lớn với quy mô toàn quốc. 

Cứ như vậy, việc lễ bái, giỗ Tổ diễn ra quanh năm, vừa tốn kém vừa thiếu sự đồng bộ, thống nhất, kém hiệu quả trong việc cố kết lòng dân. Để khắc phục điều này, năm 1917, thời vua Khải Định, Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc làm bản tấu trình lên Bộ Lễ, xin định lệ lấy ngày 10/3 Âm lịch hàng năm làm ngày cúng vua Hùng của cả nước.  Từ đó, cứ vào mùng 10 tháng Ba, nhân dân các nơi đều hướng về vùng Tổ - xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ để tưởng niệm các vị vua Hùng. Ngày này được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Hiện nay, ngày giỗ Tổ Hùng Vương cũng là quốc giỗ, một trong những ngày lễ quan trọng của đất nước.

Đọc bài gốc tại đây.