Người đánh máy chữ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

18/04 08:04
 

"Khi ở nhà, tôi chỉ quen với ruộng đồng, cày, cấy và chưa bao giờ được nhìn thấy chứ nói gì đến sử dụng máy đánh chữ. Ấy thế mà khi cấp trên giao cho nhiệm vụ đánh máy chữ, tôi vẫn nhận và đánh mãi thành quen"... Đó là lời kể của Cựu chiến binh Trịnh Văn Tế (nguyên chiến sĩ, nhân viên Quân lực Trung đoàn Cao xạ 367) cách đây 5 năm trước, lúc ông còn sống. 5 năm trước, tôi may mắn có dịp được gặp Cựu chiến binh Trịnh Văn Tế. Ngày ấy ông kể: “Tôi...

"Khi ở nhà, tôi chỉ quen với ruộng đồng, cày, cấy và chưa bao giờ được nhìn thấy chứ nói gì đến sử dụng máy đánh chữ. Ấy thế mà khi cấp trên giao cho nhiệm vụ đánh máy chữ, tôi vẫn nhận và đánh mãi thành quen"... Đó là lời kể của Cựu chiến binh Trịnh Văn Tế (nguyên chiến sĩ, nhân viên Quân lực Trung đoàn Cao xạ 367) cách đây 5 năm trước, lúc ông còn sống. 

5 năm trước, tôi may mắn có dịp được gặp Cựu chiến binh Trịnh Văn Tế. Ngày ấy ông kể: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam). Lớn lên trong cảnh “vận nước bị đe dọa, xâm chiếm” tôi cũng khao khát được đi bộ đội như bao thanh niên trong làng, trong xã. Nhưng, chỉ vì ngày bé tôi còi quá nên tôi chẳng được ai cho theo... Tôi buồn lắm! Buồn nhưng tôi lúc nào cũng canh cánh nghĩ cách phải vào bộ đội cho bằng được”.

Ông nhớ lại: “Năm tôi 17 tuổi, người đã nhỉnh hơn chút ít, tôi được một số anh chị em cho ngược Tây Bắc cùng rồi vào đội đẩy xe đạp thồ lương thực lên Điện Biên Phủ. Và mơ ước vào bộ đội của tôi được toại nguyện là năm tôi tròn 20 tuổi, khi Trung đoàn 367 từ đất bạn về tập kết ở thị xã Tuyên Quang.

Tôi còn nhớ, ngày 21/12/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại đoàn Công pháo 351 và Trung đoàn Pháo cao xạ 367 tham gia chiến dịch. Anh Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351 chỉ huy trưởng cuộc hành quân. Anh Đào Văn Trường, Đại đoàn phó 351 và Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích chỉ huy phó.

Cuộc hành quân của bộ đội ta rất vất vả vì phải đưa những khẩu pháo 2,5 tấn qua bao đèo dốc, núi cao, vực sâu. Những địa danh như Lũng Lô, đèo Pha Đin, suối Nà Nham, đỉnh Pha Sông, vực Nậm Khô Hu, cánh đồng Nà Hi, Bản Tấu là những nơi không thể quên được với chiến sĩ Trung đoàn 367”.

Theo như lời kể của ông, ngày ấy đơn vị ông hành quân hết 23 ngày đêm thì tới được nơi tập kết tại Điện Biên Phủ. Ông kể tiếp: “Hồi đó, khi tới Điện Biên Phủ, tôi được đồng chí Hoàng Hoa Nam là Tham mưu phó Trung đoàn lúc bây giờ giao cho nhiệm vụ, ngoài làm chuyên môn về quân lực phải gấp rút tập đánh máy chữ.

Nhìn chiếc máy chữ tôi toát mồ hôi, bởi khi ở nhà, tôi chỉ quen với ruộng đồng, cày, cấy và chưa bao giờ được nhìn thấy chứ nói gì đến sử dụng máy đánh chữ. Tôi quyết định gặp đồng chí Hoàng Hoa Nam để giãi bày. Nghe tôi nói xong, đồng chí tham mưu phó cười hiền và bảo. Cứ tập rồi sẽ thành quen, thành thợ ngay ấy mà...”.

Thấy tôi như nóng lòng tìm hiểu về cách học đánh máy chữ của mình, ông kể tiếp: “Đó là chiếc máy Hympia, hay Henri gì đó, tôi cũng không nhớ rõ nữa. Hằng ngày, hằng đêm, cứ khi được ngơi nghỉ là tôi lại lao vào tập đánh máy chữ. Nhiều lúc, tôi định thoái thác nhiệm vụ... vì tập mãi, đánh mãi mà không được và mắt thì cứ hoa hết lên. Tôi lại lên gặp thủ trưởng. Vẫn sự tin tưởng và động viên... tôi quay về và òa khóc.

Tôi khóc lúc ấy vì tủi thân. Giá như tôi to khỏe như những đồng chí khác thì được trực tiếp bám pháo đánh giặc có sướng hơn không... đằng này. Rồi tôi lại nhớ đến ánh mắt trìu mến và đầy tin tưởng của thủ trưởng... tôi quyết định chuyên tâm học cho bằng được”.

Như lời ông, chỉ sau đó ít lâu, ông đã sử dụng thành thạo và có thể đánh nhanh các công văn được giao. Tôi hỏi ông rằng, thế bây giờ ông nghĩ sao về “nghiệp” đánh máy chữ của mình và quyết định của người chỉ huy ngày ấy? Ông cười: “Việc làm nào dù nhỏ mà hoàn thành cũng góp phần làm nên việc lớn hơn sẽ thành công. Tôi tự lấy làm vui, vì lòng mình tin rằng, trong chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ ấy, có những dòng công văn đúng, đủ, kịp thời... được truyền ra từ chiếc máy chữ tôi sử dụng.

Song để có điều ấy, mãi về sau này, tôi luôn thán phục sự tài tình của người chỉ huy. Các đồng chí ấy không những cho tôi biết đánh máy, mà còn rèn cho tôi tính kiên trì để từ đó khi đã về với đời thường, tôi luôn cố gắng trong mọi việc như đã từng cố gắng trong đánh máy chữ...”.

Câu chuyện ông kể đã cách đây 5 năm mà ngỡ như vừa mới hôm qua. Còn nhớ lúc chia tay năm ấy ông còn bảo, ông thường kể cho con cháu nghe chuyện về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhất là chuyện đánh máy chữ trong chiến dịch. Việc dẫu nhỏ nhưng để lại nhiều ký ức đẹp và cả những bài học cho ông đến suốt cuộc đời.

Đọc bài gốc tại đây.