Nhức nhối tình trạng xây dựng trái phép lấn sông Cầu

27/04 06:30
 

Bắc Ninh - Từ năm 2021 đến nay, có 58 công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ sông Cầu ở xã Tam Đa...

Bắc Ninh - Từ năm 2021 đến nay, có 58 công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ sông Cầu ở xã Tam Đa (huyện Yên Phong).

Vẫn đang khắc phục hậu quả vụ sạt lở

Ngày 26.4, lãnh đạo UBND thành phố Bắc Ninh đã đến thăm, tặng quà động viên các gia đình bị ảnh hưởng do sự cố sạt lở đê sông Cầu ở khu vực phường Vạn An.

Sự cố sạt lở bờ sông xuất hiện từ đầu tháng 3.2024 đến nay khiến 6 ngôi nhà cùng 2 công trình sụt xuống sông, buộc sơ tán 15 hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm.

Hiện, chính quyền địa phương cũng bố trí nơi ở mới cho các gia đình bị ảnh hưởng sự cố sạt lở tại trường mầm non cũ của phường và Nhà văn hóa khu phố Vạn Phúc (phường Vạn Phúc).

Một trong những tác nhân gây ra tình trạng sạt lở được cơ quan chức năng xác định là do tình trạng xây dựng lấn chiếm dòng chảy của dòng sông.

Nhức nhối xây dựng trái phép

Theo ghi nhận, so với năm 2013 qua bản đồ vệ tinh, hai bên sông Cầu chảy qua phường Vạn An, TP Bắc Ninh và xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang có mật độ dân số cao, người dân xây nhà sát mép nước, chiếm hầu hết khu bãi bồi.

Bên đê hữu Cầu, tình trạng xây dựng lấn chiếm hành lang thoát lũ và bảo vệ đê điều diễn ra suốt đoạn đê hơn 8 km, từ xã Tam Đa, huyện Yên Phong cho đến khu vực xảy ra sạt lở tại TP Bắc Ninh.

Tại khu vực này, những căn nhà lấn sông, mặc dù không có sổ đỏ và không được cấp phép xây dựng, vẫn ngang nhiên mọc lên.

Ngoài những công trình xây mới kiên cố, đa phần nhà lấn chiếm hành lang bảo vệ, thoát lũ sông Cầu là nhà tạm, dựng khung sắt, lợp mái tôn.

Có mặt tại một ngôi nhà 5 tầng ở xã Tam Đa (huyện Yên Phong) đang xây dựng, chúng tôi khi nhận, khu vực xây dựng chỉ cách mép nước khoảng 10m.

Khi nước lên, khoảng cách này còn rút ngắn hơn, nguy cơ mất an toàn rất cao.

Một lãnh đạo UBND xã Tam Đa xác nhận, ngôi nhà 5 tầng trên không có sổ đỏ, vì thế cũng không có căn cứ để xin cấp giấy phép xây dựng. Ngôi nhà được xây dựng trên nền móng của nhà cũ và có cơi nới thêm. Chủ nhà đã ở khu vực này từ rất lâu nên chính quyền địa phương khó xử phạt.

“Thời điểm các hộ dân xây dựng nhà ở dọc bên đê nhiều nhất là từ năm 2016 - 2019. Gần đây có tiếp tục phát sinh nhưng không rầm rộ. Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền và nhắc nhở người dân không xây dựng cơi nới. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn có nhiều hộ dân không chấp hành, vi phạm trật tự xây dựng”, đại diện UBND xã Tam Đa giải thích.

Ông Đàm Phương Bắc - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Ninh - cho biết, theo thống kê từ năm 2021 đến nay, có 58 công trình vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ ở xã Tam Đa.

“Xã Tam Đa là làng cổ, hình thành từ hàng trăm năm trước. Thời gian gần đây, chúng tôi phát hiện nhiều ngôi nhà xây mới nên ngay lập tức phản ánh cho chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, việc xử lý không triệt để dẫn tới việc người dân xây lên những ngôi nhà 4-5 tầng, gây hệ luỵ xấu”, ông Bắc cho biết.

Phía đê tả sông Cầu, khu vực làng cổ Thổ Hà (thị xã Viêt Yên, tỉnh Bắc Giang) - nằm đối diện nơi xảy ra sụt lún, có mật độ dân số 20.000 người/km2, gấp hơn 40 lần mật độ dân số tỉnh Bắc Giang, gần 10 lần Hà Nội và hơn 60 lần cả nước.

Theo ghi nhận của phóng viên do dân đông, diện tích đất nhỏ hẹp, tình trạng người dân phải xây dựng nhà ra sát mép sông cũng diễn ra phổ biến.

Đọc bài gốc tại đây.