Những cây cầu giúp xóa cảnh lội suối, vượt ngầm tràn tại Tuyên Quang

24/04 10:37
 

Hàng loạt cây cầu trên đường giao thông nông thôn tại tỉnh Tuyên Quang được hoàn thành giúp người dân không phải vượt suối trên những chiếc cống tạm, diện...

Hàng loạt cây cầu trên đường giao thông nông thôn tại tỉnh Tuyên Quang được hoàn thành giúp người dân không phải vượt suối trên những chiếc cống tạm, diện mạo các bản làng vùng sâu, vùng xa từ đó được đổi mới.

Hơn 1 năm nay, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) như mang trong mình một diện mạo mới. Bê tông hóa đi sâu vào từng ngõ xóm, những chiếc cầu trên đường nông thôn được xây dựng vững chắc, người dân an toàn đi lại mỗi khi mưa lũ.

Từng ám ảnh bởi cống tạm vượt suối, anh Đỗ Văn Hinh (thôn Gia, Tiến Bộ) cho biết, từ khi xây cầu Gốc Táu người dân địa phương rất phấn khởi. Việc đi lại mùa mưa an toàn, hoạt động giao thương, buôn bán hàng hóa cũng dễ dàng.

"Trước đây, trên con suối chỉ có cống tạm để người dân đi qua. Cống nhỏ, mưa to là tràn lên hết nên không ít người bị dòng nước cuốn. Bản thân có lần đi trời tối bị nước cuốn trôi, phải bơi lên và bỏ xe máy lại mai đến lấy về.

Năm 2023 cầu Gốc Táu được xây bằng bê tông vững chắc, có thành cầu nên đi lại thuận tiện. Sau nhiều năm mong mỏi, hàng trăm con người trong thôn đều vui mừng", anh Hinh cho hay.

Theo anh Hinh, từ khi có cầu mới, tình trạng các thôn xóm bị chia cắt mỗi mùa mưa lũ đã không còn. Trước đây, cứ hễ mưa lũ là cả thôn cô lập. Hiện tại, toàn xã đã có 3 cầu mới được xây dựng. Có cầu vững chãi nên mỗi khi qua suối là không còn nơm nớp lo sợ. Đặc biệt là trẻ em đi học mỗi khi trời mưa to, nước dâng cao.

Cách xã Tiến Bộ gần 50km, hàng trăm hộ dân tại xã Chiêu Yên (huyện Yên Sơn) cũng hân hoan khi 5 cây cầu được xây mới và đưa vào sử dụng.

Trước đây, vào mùa khô người dân phải ghép những ống cống để đi qua suối. Đến mùa lũ mực nước dâng cao từ 1m đến 1,2m, các cầu tạm bằng ống cống bị ngập sâu khiến giao thông chia cắt. Hiện nay, 5 cây cầu tại các thôn Đán Khao, Tân Lập và Phai Đá được hoàn thiện.

Bà Nguyễn Thị Việt (Yên Sơn) phấn khởi, những cây cầu này giúp xoá các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông nông thôn. Nhu cầu đi lại, giao thương của người dân cũng được đáp ứng. Không còn lo lắng mỗi mùa mưa phải vượt các cống tràn tạm bợ, nguy hiểm rình rập. Diện mạo của các bản làng cũng từ đó được thay đổi, đời sống nhân dân cải thiện.

Ngày 23.4, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Quang Đảm - Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ (Yên Sơn) cho biết, theo Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, trên địa bàn xã có 3 cây cầu mới được xây dựng. Trong năm 2022 xây dựng 1 cầu, năm 2023 xây dựng 2 cầu tại thôn Gia và thôn Rạp.

"Người dân vô cùng phấn khởi, vui mừng khi có cầu mới đảm bảo an toàn. Theo thiết kế cầu được xây dựng cao, vững chắc, đảm bảo an toàn mỗi khi người và phương tiện di chuyển mùa mưa lũ", vị lãnh đạo thông tin thêm.

Ngày 20.11.2020, HĐND tỉnh Tuyên Quang ban hành Nghị quyết số 55/NQ-HĐND thông qua Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu trong 5 năm tới xây dựng được 200 cây cầu, tổng vốn 470 tỉ đồng.

Đề án nhằm tăng cường kết nối hệ thống giao thông nông thôn vùng sâu vùng xa. Từng bước xoá bỏ các điểm cách trở do suối, ngòi giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn trong mùa mưa lũ và thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.

Tính đến đầu năm, hơn 100 cây cầu trên địa bàn 7 huyện, thành phố tại Tuyên Quang đã được xây dựng.

Đọc bài gốc tại đây.