NLĐ mong muốn được hưởng bảo hiểm xã hội khi chăm người thân ốm đau

09/05 06:52
 

Bên cạnh con nhỏ dưới 7 tuổi, nhiều lao động cho biết họ còn phải chăm sóc cả người thân, cha mẹ. Vì thế, nếu người thân, cha mẹ ốm...

Bên cạnh con nhỏ dưới 7 tuổi, nhiều lao động cho biết họ còn phải chăm sóc cả người thân, cha mẹ. Vì thế, nếu người thân, cha mẹ ốm đau, người lao động cũng mong được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi phải nghỉ việc chăm sóc.

Chị Phạm Thị Lan (20 tuổi, Hà Nam) cho biết trước đây anh trai và mẹ trên đường đi làm không may bị tai nạn phải nhập viện điều trị 15 ngày, về nhà dưỡng sức thêm 10 ngày nữa. Ngay khi biết tin xấu, chị đã viết đơn xin công ty cho nghỉ việc không lương 1 tháng để tiện chăm sóc.

Trong thời gian này, chị Lan vừa không có thu nhập vừa phải chi thêm tiền chăm sóc mẹ và anh trai trong viện. Cuốn sổ tiết kiệm cũng phải rút vội về để có tiền điều trị khiến chị vô cùng xót xa.

“Riêng tiền ăn uống mỗi ngày 3 người đã 100.000 đồng, chưa kể tiền xăng xe đi lại, sữa tươi, hoa quả và các loại thuốc phải mua thêm” - chị Lan nghẹn ngào.

Cũng vì nghỉ không lương nên chị Lan không thể làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp để có thu nhập trang trải. Cuộc sống khó khăn khiến chị chỉ dám mua đồ ăn ngon bổ dưỡng cho mẹ và anh trai còn bản thân thì ăn suất cơm đạm bạc hoặc xin cháo từ thiện mỗi ngày ở viện lót dạ qua ngày.

Chị Lan mong muốn cơ quan bảo hiểm xã hội nên xem xét, bổ sung thêm chế độ khi phải nghỉ việc chăm người thân ốm. Theo chị Lan, lúc đó, người lao động rất cần sự tương trợ từ phía bảo hiểm để cảm thấy đỡ lo lắng, an tâm hơn.

Anh Phạm Văn Việt (38 tuổi) công nhân tại Nam Định cho biết mỗi lần bố ruột nhập viện là mỗi lần anh thấp thỏm, lo âu. Không chỉ lo cho sức khỏe của bố, anh Việt còn lo lắng thu nhập giảm sút, ảnh hưởng đến cuộc sống cả gia đình.

“Khi nghỉ việc dài ngày, thu nhập của tôi giảm đi rất nhiều. Vừa không có lương ngày nghỉ vừa bị trừ tiền chuyên cần, trách nhiệm. Nghỉ 5 ngày coi như mất ít nhất 2 triệu đồng/tháng” - anh Việt tâm sự.

Vì thế, dù rất khó xử nhưng mỗi lần bố ốm nằm viện cả tuần, anh đều phải nhờ mẹ và em gái thay phiên vào viện chăm sóc. Như thế, số ngày phải nghỉ việc của anh Việt sẽ được rút ngắn đồng nghĩa thu nhập cũng đỡ hao hụt hơn.

Theo nam công nhân, nếu có thêm tiền bảo hiểm nghỉ việc chăm sóc người thân ốm đau sẽ đỡ được rất nhiều. Lúc đó, anh cũng yên tâm hơn khi xin nghỉ, không phải lo lắng cho cuộc sống của cả gia đình. Đồng thời, anh Việt cũng không phải dồn ngày nghỉ phép hàng tháng để có việc đột xuất phải xin nghỉ.

Trước đó, khi góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đại diện Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã đề xuất bổ sung quy định thời gian hưởng chế độ khi cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ vợ/chồng từ 70 tuổi trở lên ốm đau.

Đại diện Công đoàn cho biết tại các doanh nghiệp trong ngành may mặc, khi cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ vợ/chồng ốm đau phải đi bệnh viện điều trị, công nhân phải xin nghỉ để chăm sóc cha mẹ vì không có điều kiện kinh tế để thuê người chăm sóc tại bệnh viện do chi phí thuê rất cao, thu nhập của họ không thể chi trả khoản này.

Căn cứ Khoản 1, Điều 3, Mục I Thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH quy định chi tiết về điều kiện được hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội hiện nay:

a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

b) Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

C) Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b khoản này.

Đọc bài gốc tại đây.