'Nút cổ chai' Lương Định Của: 9 năm chưa xong 2km

18/04 08:17
 

Đúng 9 năm kể từ khi bắt đầu giải phóng mặt bằng và khởi công (tháng 4-2015), đường Lương Định Của (TP Thủ Đức) kết nối cửa ngõ phía đông với trung tâm TP.HCM vẫn… dang dở.

Câu chuyện tréo ngoe khiến người dân mệt mỏi từng ngày này lại xảy ra ở ngay một đô thị phát triển, xung quanh có nhiều trục đường quan trọng và khu dân cư đông đúc ở TP Thủ Đức, TP.HCM. Theo cơ quan chức năng, điều khiến đường Lương Định Của làm hoài không xong là do vướng mặt bằng.

Trước đó, năm 2022, ông Hoàng Tùng - chủ tịch UBND TP Thủ Đức - cho biết mặt bằng đường Lương Định Của (từ Trần Não đến Nguyễn Hoàng) sẽ được giao trước tháng 6-2022 để đơn vị thi công và chủ đầu tư cam kết thi công hoàn tất trước ngày 31-12. 

Tuy nhiên cho đến nay - thêm gần hai năm nữa, mặt bằng vẫn chỉ được giao "nhỏ giọt", lời hứa về đích chưa biết bao giờ đến đích.

Theo ghi nhận của phóng viên chiều 17-4, tại đường Lương Định Của (đoạn dài khoảng 200m về hướng nút giao Trần Não) bị gấp khúc ít nhất 3 lần do vướng mặt bằng, "lô cốt" thi công. Bên cạnh đó, các hàng cột điện có dây xập xệ, chằng chịt dọc đoạn này cũng khiến hình ảnh đường Lương Định Của càng trở nên nhếch nhác.

Hình ảnh đường Lương Định Của sau 9 năm xây dựng:

Trong văn bản kết luận hồi cuối năm 2023 của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã nêu rõ: "Giao UBND TP Thủ Đức xác định rõ đơn vị có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích đất chưa bàn giao, báo cáo kết quả, trình UBND TP.HCM xem xét, giải quyết theo đúng quy định pháp luật" - Ảnh: CHÂU TUẤN

Ban Giao thông kiến nghị TP Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết đến nay, đoạn từ Nguyễn Hoàng đến Trần Não còn vướng 3 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Một số vị trí được giao mặt bằng trước đó đang xây dựng.

Đoạn từ Nguyễn Hoàng đến nút giao An Phú xây dựng khoảng 1/3 chiều rộng bên phải tuyến và duy trì việc đảm bảo giao thông trong giai đoạn tạm dừng từ tháng 12-2019. Hiện tại, đoạn này còn vướng hơn 22.000m2 mặt bằng thuộc 64 hộ dân (chồng lấn khoảng 2.229m2 phạm vi làm nhánh cầu vượt nút giao An Phú).

Số nhiều mặt bằng thuộc phạm vi 22.000m2 đều chưa có phương án bồi thường cụ thể. Do đó, Ban Giao thông kiến nghị TP Thủ Đức đẩy nhanh tiến độ giải phóng bàn giao mặt bằng, đốc thúc các chủ đầu tư và trình UBND TP.HCM xem xét phương án giải quyết. Mặt bằng được giao tới đâu, các đơn vị sẽ xây dựng tới đó.

Đọc bài gốc tại đây.