Bà Nguyễn Thị Thanh, nạn nhân sau cuộc thảm sát của lính Đại Hàn gần 60 năm trước, nói vui mừng khi tòa yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc bồi thường.
Ngày 18/1, bà Nguyễn Thị Thanh, 65 tuổi, người làng Phong Nhất - Phong Nhị, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nhận nhiều cuộc điện thoại chúc mừng từ những người bạn Hàn Quốc đã đồng hành với bà trong vụ kiện Chính phủ nước này suốt 4 năm qua. "Tôi đã khóc vì xúc động. Phán quyết của tòa án an ủi phần nào cho nạn nhân đã mất", bà Thanh nói.
Tòa án Trung tâm quận Seoul trong phiên phúc thẩm ngày 17/1 giữ nguyên phán quyết của tòa sơ thẩm, yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc bồi thường 30 triệu won (hơn 500 triệu đồng) và các khoản bồi thường thiệt hại do chậm trễ cho bà Thanh, người mất gia đình sau vụ thảm sát năm 1968 của lữ đoàn thủy quân lục chiến số 2 Hàn Quốc.
Hiện tòa án chưa thông báo hay liên hệ với bà Thanh về phán quyết cũng như trình tự giải quyết sau đó. Thông tin thắng kiện được thông báo qua Quỹ hòa bình Hàn - Việt. Bà biết ơn những luật sư, người dân, đài báo ở Hàn Quốc và Quỹ hòa bình Hàn - Việt đã không quản ngại khó khăn, giúp đỡ tài chính, chia sẻ nỗi đau để bà có được ý nguyện như hôm nay.
Bà Thanh cho biết nếu nhận được bồi thường sẽ trích ra giúp đỡ những nạn nhân khác, "không lấy hết cho bản thân". Vì bà chỉ là nạn nhân đầu tiên khởi kiện, thực tế còn hàng nghìn dân thường đã chết sau các vụ thảm sát do lính Đại Hàn gây ra ở miền Trung Việt Nam. "Tôi gần đất xa trời rồi. Mong tòa án, Chính phủ Hàn Quốc xem xét lại cho các nạn nhân, tránh kéo dài sự việc", bà nói.
Hành trình đi tìm chân lý của bà Thanh bắt đầu từ 10 năm trước. Tháng 4/2015, Bảo tàng Hòa bình Hàn Quốc mời bà đến Seoul kể lại câu chuyện của mình cho cựu chiến binh và Chính phủ Hàn Quốc. Người thân không ai muốn bà đi vì vẫn ám ảnh về vụ thảm sát, nhưng bà quyết sang kể sự thật và "mong nhận được lời xin lỗi". Đó cũng là lần đầu tiên một nạn nhân sống sót sau thảm sát của lính Đại Hàn đến thăm Hàn Quốc.
Khi bà kể chuyện, chính cựu chiến binh Hàn Quốc không thừa nhận. "Tôi uất nghẹn, tủi thân vì có thể cách diễn đạt của người mới học hết lớp 3 chưa thuyết phục, nhưng trên người vết thương sau thảm sát vẫn hằn bên hông trái", bà nhớ lại.
Năm 2016, nhiều luật sư Hàn Quốc lập Nhóm đặc trách làm sáng tỏ sự thật thảm sát thường dân Việt Nam của quân đội Hàn Quốc, thuộc Hiệp hội Luật sư vì xã hội dân chủ. Năm 2018, bà Thanh gửi đơn thỉnh cầu Bộ Quốc phòng Hàn Quốc với mong muốn được công nhận sự thật. Tuy nhiên, ba tháng sau, bà nhận được kết quả Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không lưu giữ hồ sơ về việc sát hại dân thường Việt Nam. "Câu chuyện rõ ràng nhưng bị chối bỏ nên tôi không cam lòng. Sau nhiều đêm thức trắng, tôi quyết tâm khởi kiện đến cùng", bà nhớ lại.
Nhóm đặc trách làm sáng tỏ sự thật thảm sát thường dân Việt Nam của quân đội Hàn Quốc, Quỹ Hòa bình Hàn - Việt và nhiều tổ chức xã hội Hàn Quốc đã đồng hành với bà Thanh. Họ tổ chức phiên tòa giả định về thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị và Hà My, bà Thanh đã tham dự. "Phiên tòa giả định là một bước chuẩn bị cho tố tụng thực tế với chính phủ Hàn Quốc", anh Kwon Hyun Woo, Trưởng Văn phòng Quỹ Hòa bình Hàn - Việt, nói.
Việc tố tụng bắt đầu vào tháng 4/2020. Với sự hỗ trợ của nhóm luật sư, bà Thanh đại diện cho 74 nạn nhân vụ thảm sát Phong Nhị đệ đơn ra Tòa án Seoul, đòi chính phủ Hàn xin lỗi và bồi thường thiệt hại. Năm 2020, hồ sơ được gửi đến tòa án. Bà tiếp xúc hàng chục lần với các luật sư, tổ chức họp báo ở Hàn Quốc.
Tháng 8/2022, bà Thanh đến Hàn Quốc để làm chứng trong phiên tòa sơ thẩm. Phải đến tháng 2/2023, tòa Seoul phán quyết yêu cầu chính phủ Hàn Quốc bồi thường 30 triệu won cho bà Thanh. Một tháng sau, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc kháng cáo.
Theo đuổi vụ kiện hơn 4 năm, ba lần sang Hàn Quốc, mỗi lần kéo dài 7 ngày, bà Thanh cho biết nhiều lúc thấy mệt mỏi, định buông xuôi, nhưng trong lòng thấy chưa thỏa đáng. "Sự thật rõ ràng nhưng chưa được phơi bày nên tôi động viên bản thân không được bỏ cuộc", bà kể, tin tưởng sẽ thắng kiện.
Mỗi lần đặt chân đến Hàn Quốc, bà Thanh chịu áp lực trước nhiều người và cơ quan khác nhau, nhưng tủi thân lớn nhất là ít chữ. Nhiều lúc bà ước mình không phải mồ côi để được học hành đến nơi đến chốn, ăn nói thuyết phục. Những lúc đó chính những người bạn yêu hòa bình ở Hàn Quốc đã động viên, giúp bà nhận ra sức mạnh lớn nhất của mình chính là niềm tin ở sự thật.
Sáng 12/2/1968, người dân làng Phong Nhất - Phong Nhị bất ngờ khi thấy nhiều toán lính Hàn Quốc mang theo súng tràn vào làng. Tiếng súng nổ chát chúa. Bà Thanh khi đó tròn 8 tuổi, được dì kéo xuống hầm. Dưới hầm còn có ba anh chị em bà Thanh, nhưng lính Đại Hàn đã tìm thấy. Chúng ra hiệu mọi người đi lên, nếu không sẽ thả lựu đạn. Quá hoảng sợ, từng người dưới hầm bắt đầu đi lên.
Anh trai bà Thanh đi đến bụi tre trước nhà thì bị bắn nát mông, em trai đi ngang giàn mướp bị bắn vào mặt, chị gái bị bắn chết ở lối xuống nhà bếp. Mẹ đang nhổ rau cũng bị bắn chết, còn bà Thanh bị đạn xé toang phần hông bên trái.
Anh trai kéo bà Thanh bỏ trốn. Sau đó chú của bà, khi đó đang tham gia quân đội Việt Nam Cộng hòa, vội điều trực thăng về Phong Nhất - Phong Nhị. Bà cùng anh trai được ra Đà Nẵng chữa trị mới may mắn sống sót.
Bà Thanh sống với chú được một thời gian rồi đi ở mướn. Ngày thống nhất đất nước, bà trở về quê làm ruộng, lấy chồng sinh bốn người con. Một tấm bia tưởng niệm được dựng lên ghi khắc ký ức hãi hùng về vụ thảm sát. Hàng năm cả làng tổ chức ngày giỗ chung cho 74 nạn nhân.
Đắc Thành - Nguyễn Đông
Đọc bài gốc tại đây.