Nỗi niềm giáo viên mầm non

25/01 05:32
 

TP - Dù bị bệnh hiểm nghèo hay chồng mất, làm mẹ đơn thân, nhưng các cô giáo mầm non vẫn nén lại nỗi buồn đau để đều đặn có mặt ở trường đúng 7 giờ sáng, nở nụ cười thật tươi đón trẻ.

Mang trong mình căn bệnh ung thư tuyến giáp 7 năm nay, cô Lê Thu Hiền, giáo viên Trường Mầm non B, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), vẫn bám trụ với nghề nuôi dạy trẻ. Cô cho rằng, tình yêu nghề đã rèn cho mình tính kiên nhẫn, tỉ mẩn trong mọi việc. Khi phát hiện bị bệnh, phải điều trị ở viện trong thời gian dài, cô cũng từng nghĩ tới chuyện bỏ nghề.

Nhưng, khi sức khỏe tạm ổn định, nỗi nhớ trường, nhớ trẻ da diết lại thôi thúc cô phải đến trường. Chỉ khi nghe được tiếng cười nói, được lũ trẻ ùa ra vây quanh, cô mới thấy mình được sống trọn vẹn niềm vui, ý nghĩa.

Cô Lý Thị Thu Huyền giáo viên Trường Mầm non Việt - Triều Hữu nghị chăm sóc trẻ mầm non

Cô Hiền kể, nhà ở gần trường Sư phạm mầm non nên từ khi còn nhỏ ghé mắt qua hàng rào thấy múa hát rất thích. Thế rồi, cô thi vào trường, tốt nghiệp đi dạy đến nay đã thành “bà giáo”. Với cô, giáo viên mầm non là công việc rất vất vả. Mỗi ngày, cô giáo phải đóng nhiều vai để chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ đến dạy, hướng dẫn các con các kỹ năng, thói quen sinh hoạt hằng ngày. Cô Hiền mong có những chính sách hỗ trợ để giáo viên yên tâm gắn bó với nghề.

Tết năm nay, cô Hiền không giấu được nỗi buồn khi đồng nghiệp được thưởng Tết theo Nghị định 73 (thưởng bằng 10% tổng quỹ tiền lương áp dụng với các đối tượng, trong đó có viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập), nhưng các trường tự chủ như Trường Mầm non B không có ngân sách để chi thưởng.

“Mình mắc bệnh nhưng giai đoạn khó khăn, sóng gió đã tạm qua. Các con đã trưởng thành, gánh nặng kinh tế đã giảm bớt. Chỉ thương các cô giáo trẻ, phải nuôi con ăn học trong khi đồng lương eo hẹp, lại không có tiền thưởng Tết”, cô Hiền nói.

Nén nỗi buồn, gắn bó với nghề

Cô Lý Thị Thu Huyền, giáo viên Trường Mầm non Việt - Triều Hữu nghị (Hà Nội), cũng có hoàn cảnh đặc biệt. Chồng mất cách đây 5 năm, cô một mình nuôi 2 con ăn học và là chỗ dựa của bố mẹ già.

Cô chia sẻ, trước Tết, được lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đến trường tặng quà, động viên cảm thấy hạnh phúc, ấm áp vô cùng. Hai con của cô Huyền, một cháu học lớp 6, một cháu hiện là sinh viên năm thứ hai đại học. Cuộc sống ở Hà Nội đắt đỏ, trong khi đồng lương giáo viên mầm non eo hẹp nhưng cô không kêu ca mà tự xoay xở, co kéo để vừa lo tiền học, vừa lo cuộc sống gia đình.

“Con của mình thiệt thòi hơn nhiều bạn khác. Con phải theo mẹ đến trường sớm để mẹ quay về trường mầm non đúng 7 giờ đón trẻ. Đến chiều cũng vậy, phải chờ đến khi trẻ cuối cùng được phụ huynh đón về, mới tới lượt mình đi đón con. Con hiểu hoàn cảnh nên thương và đỡ đần mẹ rất nhiều”, cô Huyền tâm sự.

Có 26 năm trong nghề dạy học, cô Huyền được Ban giám hiệu nhà trường đánh giá là người tâm huyết, vững chuyên môn. Năm học này, cô xung phong nhận lớp 18-24 tháng, lớp nhỏ tuổi đòi hỏi cô giáo phải chăm sóc vất vả nhất. Mọi tâm tư, nỗi buồn trong gia đình cô đều gác lại để khi bước qua cổng trường luôn phải vui vẻ, cười thật tươi đón trẻ từ tay phụ huynh.

Vất vả, khó khăn là thế nhưng cô Huyền chưa một lần nghĩ tới chuyện sẽ bỏ nghề. Cô kì vọng trong năm mới, giáo viên mầm non sẽ được lãnh đạo các cấp quan tâm hơn nữa, có chế độ tiền lương đáp ứng được yêu cầu cuộc sống. Khi đó, các cô sẽ yên tâm, gắn bó với nghề mà không phải lo lắng tới những vấn đề khác.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, dạy học là nghề đặc thù, vất vả. Chăm sóc, dạy dỗ trẻ ở lứa tuổi mầm non, trẻ ở trường chuyên biệt, thầy cô giáo phải vất vả hơn gấp nhiều lần. Điều đáng ghi nhận là thầy cô vẫn rất nỗ lực, vượt lên hoàn cảnh, không quản ngại khó nhọc từng ngày chăm sóc, dạy dỗ học sinh.

Đọc bài gốc tại đây.