TAND TP Đà Nẵng vừa xét xử và tuyên án một nữ giám đốc cùng các pháp nhân thương mại là hai doanh nghiệp phạm tội trốn thuế.
Đáng chú ý, đây là trường hợp khá hiếm hoi tại Đà Nẵng khi cả giám đốc và pháp nhân thương mại cùng bị chịu trách nhiệm hình sự về hành vi trên.
Sau thanh tra là điều tra
Công ty TNHH MTV Đà Nẵng Thanh do Phan Thị Thanh thành lập và làm giám đốc, đã mở và sử dụng chín tài khoản ngân hàng khác nhau, thuê các khách sạn để tổ chức dịch vụ lưu trú.
Còn Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thủy Thanh mở và sử dụng bốn tài khoản ngân hàng, thuê các khách sạn để tổ chức dịch vụ lưu trú.
Từ khi thành lập đến tháng 4-2023, Công ty Thủy Thanh có ba thành viên góp vốn, trong đó Thanh làm giám đốc, đại diện theo pháp luật. Tháng 3-2020, do kinh doanh thua lỗ nên có hai thành viên thoái vốn...
Sau khi Cục Thuế Đà Nẵng vào cuộc thanh tra về thuế đã chuyển hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu tội phạm xảy ra tại hai công ty trên đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng.
Qua điều tra xác định: Công ty Thủy Thanh và Công ty Đà Nẵng Thanh do Phan Thị Thanh làm giám đốc, điều hành mọi hoạt động.
Trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, theo chủ trương của chính quyền TP Đà Nẵng, Phan Thị Thanh đăng ký các khách sạn do hai công ty thuê kinh doanh, để làm cơ sở lưu trú (có tính phí) và đón các đoàn người đến cách ly phòng chống dịch, có hoạt động thu hộ chi phí vật tư y tế do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC) chuyển để thực hiện các hoạt động liên quan đến bệnh COVID-19.
Quá trình hoạt động kinh doanh, ngoài việc sử dụng các tài khoản của các công ty để giao dịch thì Thanh sử dụng bảy tài khoản cá nhân để thực hiện các hoạt động thu tiền cung ứng dịch vụ bằng các hình thức:
Trả bằng tiền mặt được nhân viên kế toán ghi vào sổ thu tiền mặt của các công ty và chuyển khoản vào các tài khoản ngân hàng các công ty; hoặc vào các tài khoản cá nhân của Thanh.
Đồng thời sử dụng các tài khoản để chuyển trả các chi phí phát sinh cho các hoạt động của doanh nghiệp như lương, tiền sửa chữa, đặt cọc, thuê khách sạn, các chi phí cho hoạt động của doanh nghiệp...
Thanh đã chỉ đạo nhân viên bỏ ngoài không kê khai một phần doanh thu bán hàng, dịch vụ nhằm trốn thuế khi tiền được chuyển qua tài khoản cá nhân của Thanh hoặc các tài khoản của công ty.
Cáo trạng cáo buộc trong thời gian từ 2019, 2020, 2021, hai công ty do Thanh đại diện pháp luật và điều hành hoạt động để thực hiện không ghi chép trong sổ kế toán; không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật là trên 136 tỉ đồng.
Số tiền này được khách hàng chuyển vào nhiều tài khoản cá nhân của Thanh nhưng không ghi chép trong sổ sách kế toán, từ đó trốn thuế với số tiền hơn 37,2 tỉ đồng.
Giấu doanh thu để trốn thuế
Tại tòa, bị cáo Thanh thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng và không có ý kiến gì. Thanh cũng khai không có sự thỏa thuận với các nhân viên mà do bị cáo chỉ đạo thực hiện. "Bị cáo làm hết, các nhân viên không biết hành vi của bị cáo", Thanh khai.
Trả lời câu hỏi của tòa: "Dòng tiền bị cáo sử dụng như thế nào?", Thanh nói: "Chủ yếu là trả lương cho nhân viên và các chi phí hoạt động của doanh nghiệp".
Nói lời sau cùng, bị cáo nói biết tội lỗi của mình và xin xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm được về với các con nhỏ.
Hội đồng xét xử nhận định năm 2023 Cục Thuế Đà Nẵng thanh tra về thuế tại hai công ty trên đã phát hiện, xác định bị cáo Thanh và hai pháp nhân thương mại nói trên đã có hành vi sử dụng các tài khoản cá nhân để thu tiền từ hoạt động cung ứng dịch vụ hàng hóa, không xuất hóa đơn, chứng từ tài chính, bỏ ngoài sổ sách kế toán, khai báo thuế với doanh thu ít hơn nhằm trốn thuế...
Mục đích Thanh sử dụng các tài khoản cá nhân để nhận thanh toán từ khách hàng là nhằm bỏ ngoài, không kê khai doanh thu từ hoạt động bán hàng, cung ứng dịch vụ; nhân viên kế toán không biết thực doanh thu, không được theo dõi, tiếp cận.
Đối với các pháp nhân thương mại là hai công ty đều được điều hành, quản lý bởi Thanh với tư cách là giám đốc, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Việc không ghi chép đầy đủ trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không xuất hóa đơn giá trị khi bán hàng hóa cung ứng dịch vụ; quá trình kê khai, lập hồ sơ báo cáo tài chính, báo cáo thuế và ký nộp các hồ sơ gửi cơ quan thuế định kỳ nhằm thực hiện hành vi trốn thuế của hai pháp nhân này đều được thực hiện thông qua vai trò chỉ đạo, điều hành của Thanh.
Toàn bộ số tiền trốn thuế được hai công ty sử dụng để vận hành và phục vụ các lợi ích khác của hai doanh nghiệp như trả lương thưởng cho nhân viên, trả cho đơn vị cung cấp thực phẩm, mua sắm trang thiết bị phục vụ khách sạn, vận hành khách sạn... Hành vi trốn thuế của Thanh đều được thực hiện vì lợi ích của các pháp nhân.
27 lần trốn thuế
Theo nhận định của hội đồng xét xử, đây là vụ án có tính chất nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến các quy định về quản lý thuế, các quy định khác của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý tài chính và sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng; gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm thu ngân sách nhà nước; giảm hiệu lực quản lý của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực kinh tế...
Cần xử lý nghiêm để giáo dục, phòng ngừa chung trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là với tội phạm trốn thuế và mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách trong giai đoạn hiện nay.
Tòa đã tuyên phạt bị cáo Thanh 5 năm 6 tháng tù; đối với pháp nhân thương mại là Công ty Thủy Thanh xử phạt 3,5 tỉ đồng và Công ty Đà Nẵng Thanh 6 tỉ đồng. Buộc bị cáo cùng hai công ty liên đới nộp số tiền thuế còn lại.
Căn cứ các kết luận giám định về thuế của Cục Thuế Đà Nẵng, từ năm 2019 - 2021 bị cáo Thanh và hai pháp nhân thương mại nói trên đã nhiều lần thực hiện hành vi trốn thuế.
Trong đó bị cáo Thanh và Công ty Thủy Thanh thực hiện 12 lần; bị cáo Thanh và Công ty Đà Nẵng Thanh thực hiện 15 lần.
Về tình tiết giảm nhẹ: bị cáo Thanh thành khẩn khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả, người phạm tội trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ, có nhiều thành tích, được tặng các bằng khen của bộ, TP...
Đọc bài gốc tại đây.