Phó Bí thư Hà Nội: Xử nghiêm hành vi 'vô cảm' trong xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo

02/05 18:19
 

TPO - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, buông lỏng, thờ ơ, vô cảm trong xử lý đơn, thư, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân.

Chiều 2/5, phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, các ý kiến thảo luận tại hội nghị đều cơ bản thống nhất, đánh giá cao sự chủ động, trách nhiệm của Tiểu ban Văn kiện, Ban Thường vụ Thành ủy và đồng tình với quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy trong việc đẩy sớm tiến độ trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đối với dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị chính trị và chủ đề, phương châm Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các cấp ủy trực thuộc nghiên cứu, chủ động trong việc triển khai xây dựng văn kiện đại hội của cấp mình.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 31/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo, bà Tuyến cho biết, công tác cán bộ của thành phố thực sự có sự chuyển biến rõ nét, ngày càng đổi mới, nề nếp, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV.

Bà Tuyến đề nghị, các địa phương, đơn vị thực hiện công tác cán bộ gắn với thực hiện các chủ trương của Trung ương, Thành ủy về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp bảo đảm tinh gọn, hoạt động có hiệu quả; phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Cùng với đó, bà Tuyến lưu ý việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong công tác cán bộ theo Chỉ thị số 24 của Ban Thường vụ Thành ủy, gắn với nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, lấy số lượng, chất lượng và hiệu quả hoàn thành các nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu để đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội cũng lưu ý việc tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ hiện tại, nhiệm kỳ kế tiếp đảm bảo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ cho công tác chuẩn bị Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030; quan tâm thực hiện nền nếp công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chính sách cán bộ, nhất là chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ 2025-2030 và cán bộ tại các địa phương thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025.

Với nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35 ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 11 ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp, đối thoại với công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo bà Tuyến, cần thực hiện tốt công tác tiếp dân thường xuyên, định kỳ theo quy định, tăng cường đối thoại với công dân nhằm xử lý dứt điểm các vụ việc ngay từ cơ sở, không để khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

Các địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, buông lỏng, thờ ơ, vô cảm trong xử lý đơn, thư, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân.

Kịp thời theo dõi, phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi buông lỏng, trì hoãn, kéo dài, thực hiện không nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên trong công tác xử lý đơn, thư, tiếp công dân, đối thoại với công dân; có dấu hiệu tiêu cực, trục lợi…

Theo báo cáo của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, có 28 ý kiến góp ý vào Dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị; thống nhất cao với việc Ban Thường vụ Thành ủy đẩy sớm hơn 2 tháng việc xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về Dự thảo Đề cương so với kế hoạch. Một số ý kiến đề nghị lựa chọn việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới.

Đối với chủ đề Đại hội XVIII Đảng bộ thành phố, có 22 ý kiến góp ý, trong đó, 16/22 ý kiến đồng ý phương án 1 có nội dung: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị đoàn kết, trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh văn hóa, con người Hà Nội, khối đại đoàn kết toàn dân kết hợp với sức mạnh thời đại; chủ động thích ứng, đổi mới, sáng tạo; phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn hiến, văn minh, hiện đại và hạnh phúc”.

Về phương châm Đại hội có 22 ý kiến phát biểu trao đổi, góp ý. Trong đó, 14/22 ý kiến tán thành phương án 1 có nội dung: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đột phá - Phát triển”.

Đọc bài gốc tại đây.