Sau 15 ngày Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực, các hành vi, nhóm hành vi vi phạm giao thông là nguyên nhân chính dẫn tới ùn tắc, tai nạn đã...
Sau 15 ngày Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực, các hành vi, nhóm hành vi vi phạm giao thông là nguyên nhân chính dẫn tới ùn tắc, tai nạn đã giảm rõ rệt, ý thức của người tham gia giao thông được nâng cao.
Tác động sâu sắc đến nhận thức, ý thức người tham gia giao thông
Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2025. Nghị định điều chỉnh tăng nặng mức xử phạt đối với nhiều hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy tắc giao thông trên đường.
Qua 15 ngày áp dụng, Nghị định đã tạo chuyển biến tích cực về ý thức, hành vi tham gia giao thông và tình hình Trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi ngược chiều của đường một chiều… đã giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM...
Đại úy Trịnh Quốc Quân - Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 7 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) đánh giá, người tham gia giao thông đã nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng CSGT kiểm tra, kiểm soát. Điều này thể hiện rõ nhất từ khi Nghị định 168 đi vào thực tế.
Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an) từ ngày 1 - 14.1.2025, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 174.653 trường hợp vi phạm TTATGT; tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ chuyên môn 17.595 trường hợp; tạm giữ 955 ôtô, 49.649 môtô; 12.691 trường hợp GPLX bị trừ điểm. So với thời gian trước liền kề, xử phạt giảm 22.786 trường hợp (-11,54%).
Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đã có chuyển biến rõ rệt khi giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề.
Số liệu thống kê (từ 1 - 14.1.2025), toàn quốc xảy ra 681 vụ TNGT, làm 365 người chết, 453 người bị thương, so với cùng kỳ giảm 355 vụ (-34,27%), giảm 47 người chết (-11,41%), giảm 426 người bị thương (-34,24%), so với trước liền kề giảm 347 vụ (-34,53%), giảm 94 người chết (-20,47%), giảm 301 người bị thương (-39,92%).
Đại diện Cục CSGT đánh giá, Nghị định 168 ban hành với nhiều hành vi tăng nặng mức xử phạt đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức của người tham gia giao thông. Các cơ quan chức năng, lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đều xác định “mục tiêu không phải để tăng mức thu tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước mà để quyết tâm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người tham gia giao thông”.
Kịp thời điều chỉnh cách tổ chức giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt
Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mật độ phương tiện lưu thông trên đường ở các thành phố lớn tăng chóng mặt, ùn tắc xảy ra thường xuyên.
Đánh giá về tình hình trên, theo đại diện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân tăng cao, đồng thời hiện trên địa bàn TP Hà Nội còn tồn tại nhiều công trình đang thi công chiếm một phần diện tích lòng đường. Đây là những nguyên nhân chính khiến giao thông những ngày qua trở nên căng thẳng.
Còn tại TPHCM, nhiều tuyến đường ở trung tâm và các khu vực cửa ngõ thời gian qua cũng liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe kéo dài.
Theo ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, lưu lượng phương tiện giao thông từ đầu năm 2025 tăng 2,8-11,4% so với cuối năm 2024, tập trung ở các khu vực trung tâm, sân bay Tân Sơn Nhất và các cửa ngõ.
Về tình hình ùn tắc, theo ông Nguyễn Thành Lợi - Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM, ngoài do mật độ xe tăng cao dịp cuối năm, nhiều người dân có tâm lý "sợ bị phạt" nên có xu hướng đi chậm hơn so với tốc độ trung bình và dừng xe sớm khi qua nút giao dù chưa hết đèn xanh. Một số giao lộ cho phép rẽ phải hoặc đi thẳng liên tục, nhưng nhiều người vẫn dừng chờ, làm xe phía sau bị dồn lại.
Để hạn chế ùn tắc, các đơn vị ở TPHCM đang chủ động triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, một số phương án cấp bách được thực hiện, như bố trí đèn tín hiệu rẽ phải, trái, đi thẳng (đèn mũi tên) ở các nút giao phù hợp, kết hợp với điều chỉnh linh động đèn giao thông.
"Công an thành phố đang tập trung bố trí lực lượng tại các điểm nóng, đồng thời phân luồng từ xa, hạn chế xe dồn đến nơi ùn tắc", ông Nguyễn Đình Dương - Phó Giám đốc Công an TPHCM cho hay.
Một số ý kiến cho rằng, ùn tắc trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Nghị định 168 được áp dụng, tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông đánh giá, đây là cách nhìn nhận tiêu cực, thiếu tính xây dựng.
"Nghị định 168 được áp dụng vào thực tế góp phần nâng cao tính tự giác của người dân. Về ùn tắc, chúng ta phải nhìn nhận ở khía cạnh khác, như hạ tầng giao thông và cách tổ chức giao thông. Hạ tầng còn yếu thì trước mắt phải chú trọng vào cách tổ chức, hiện các đô thị đang nỗ lực hoàn thiện vấn đề này", TS Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.
Ngày 16.1.2025, Báo Lao Động tổ chức tọa đàm “Tác động của hạ tầng giao thông đến an ninh, trật tự, an toàn giao thông” với sự tham gia của đại diện Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an), chuyên gia về kiến trúc, giao thông đô thị. Thông qua tọa đàm, đại diện cơ quan chức năng, các chuyên gia sẽ có đánh giá về những tác động của Nghị định 168 đến tình hình trật tự an toàn giao thông, đồng thời đưa ra những giải pháp phát triển, đồng bộ hạ tầng giao thông...
Đọc bài gốc tại đây.