Có nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến trường hợp sinh viên và gia đình bị lừa đảo qua mạng 1,1 tỉ đồng.
Bị các kẻ lừa đảo thao túng và đe dọa, sinh viên một trường đại học ở TP.HCM nhiều lần xin gia đình chuyển khoản 1,1 tỉ đồng.
Về tình huống này, bạn đọc bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau.
Chiêu lừa đảo cũ vẫn có nhiều người sập bẫy
Nhận định về trường hợp sinh viên bị lừa đảo bằng thủ đoạn cũ, bạn đọc tên Trinh đặt câu hỏi: Có phải các bạn sinh viên học sinh hiện nay đang thiếu kiến thức xã hội, ít va chạm nên dễ bị đối tượng lừa đảo hay không?
Khá nhiều bạn đọc khác đồng tình với quan điểm này. Một bạn đọc cho rằng "tụi nhỏ giờ suốt ngày coi TikTok và phụ huynh bảo bọc 24/7 nên khi ra môi trường lạ là dính hết các cú lừa".
Cùng nhận định, bạn đọc GaTre đang làm việc trong trường đại học thấy rằng nhiều bạn trẻ bây giờ lướt mạng xem các video linh tinh thì giỏi, nhưng lại thiếu kỹ năng thực tế.
Theo bạn đọc Anh Vũ, sinh viên hiện nay thiếu kỹ năng mềm, không quan tâm vấn đề thời sự hằng ngày, truyền thông từ trường học để trang bị kiến thức chống lừa đảo.
"Đó là hạn chế của một bộ phận sinh viên 4.0 thời nay" - bạn đọc Anh Vũ kết luận.
Trong khi đó nhiều bạn đọc cho rằng ba mẹ cũng quá chủ quan khiến kẻ lừa đảo lừa được. Nếu ba mẹ cẩn trọng, kiểm tra từ trường học sẽ không sập bẫy.
Theo bạn đọc cong****@gmail.com, phụ huynh cũng góp phần mắc một số lỗi cơ bản.
"Nếu lỗi của sinh viên thôi thì phi vụ lừa này không thể thành công. Ngày nay hầu hết các hoạt động quan trọng của trường đều có trên website trường học. Tại sao không vào đó xem thông tin và lấy số điện thoại, lấy email chính thống mà hỏi?" - bạn đọc này viết.
Tương tự, bạn đọc Lệ Đá có ý kiến: "Sinh viên năm nhất 18-19 tuổi "còn nai lắm". Giao dịch số tiền lớn phụ huynh phải giám sát và chính mình thực hiện, chiêu cũ nhưng vẫn rủ được người mới... nhẹ dạ, cả tin".
Cùng quan điểm, bạn đọc tên Anh cho rằng phụ huynh là người có trách nhiệm nhiều nhất. Chuyển một số tiền lớn cho con nhiều lần mà không biết rõ con làm gì. Thương con nhưng thương kiểu vậy là hại con rồi.
Tuy nhiên cũng có bạn đọc có quan điểm ngược lại với số đông.
Bạn đọc Nguyễn nhận xét: "Đọc nhiều ý kiến, tự nhiên thấy buồn, dù mình cũng là một người mẹ và chắc chắn kinh tế của mình không bằng vị phụ huynh này. Nhưng buồn khi đọc thấy "nhà giàu có khác, con kêu chuyển 1 tỷ là chuyển".
"Chúng ta có thể trách vị phụ huynh này không chủ động liên lạc trực tiếp với trường, nhưng đừng nên buông những lời như trên. Hãy chia sẻ thay vì nặng lời" - bạn đọc Nguyễn viết.
Từ kinh nghiệm của mình, bạn đọc Minh Anh chia sẻ: "Từng nhận rất nhiều cuộc gọi lừa đảo tôi rút ra được rằng không có quà tặng miễn phí, không có việc nhẹ lương cao, công an không làm việc qua điện thoại, không bấm link, không tải app, không chuyển tiền, không cung cấp thông tin cá nhân và mã OTP cho ai".
Dạy con cách quản lý tiền bạc, đừng bao bọc con mãi
Bên cạnh đó nhiều bạn đọc lấy vụ việc trên để chia sẻ quan điểm giáo dục con cái.
Có bạn đọc từng trách ba mẹ khi xưa nghiêm khắc với mình chuyện tiền bạc nhưng khi chị làm mẹ, cho tiền con mà không hỏi lý do khiến con không biết quý trọng đồng tiền.
Bạn đọc Phương bày tỏ: "Ngày trước mỗi lần xin tiền là mẹ hỏi kỹ càng coi xài tiền vô mục đích gì. Lúc đó hờn giận, thấy mẹ khó khăn. Giờ nhìn lại mới thấy qua đó mẹ dạy cách biết chi tiêu, quản lý tiền.
Tôi hay cho con tiền mà không hỏi lý do. Sau mới phát hiện con xin tiền mua thuốc lá điện tử, mua sắm vô tội vạ, bỏ bê việc học, ăn chơi đàn đúm.
Đến lúc đi làm kiếm được tiền chỉ nghĩ đến hưởng thụ, không nghĩ đến tích lũy".
Một bạn đọc khác đúc kết: "Qua câu chuyện nhiều người sẽ nghĩ vì sao nhiều quốc gia họ dạy con trẻ từ nhỏ kiến thức, kỹ năng sinh tồn, ý thức giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ môi trường...
Từ đó dần hình thành ý thức, phản xạ, có thể tự tránh, tự bảo vệ mình khi không có hỗ trợ từ người lớn.
Tương tự, bạn đọc Đức Nguyễn bày tỏ: "Hiện nay nhiều cha mẹ lo con cái tự đạp xe đi học khiến nhiều em năm nay lớp 12 chuẩn bị vào đại học vẫn chưa biết chạy xe. Năm tôi lớp 10, tôi đã tự đi học bằng xe đạp, cũng té xe, gặp tai nạn, nhưng đến nay nó là kỹ năng lái xe an toàn, đó là phản xạ cái gì nguy hiểm tiềm tàng nhất quyết tránh.
Chúng ta không thể bảo bọc con mãi, mà phải xây phản xạ tự bảo vệ cho con trẻ, muốn vậy thì hãy để con trẻ vào cuộc sống".
Đọc bài gốc tại đây.