Sinh viên Đà Lạt hưởng ứng ‘Bẻ gãy mắt xích tiêu dùng thú hoang dã’

19/04 18:03
 

TPO - Chiến dịch truyền thông “Bẻ gãy mắt xích tiêu dùng thịt động vật hoang dã” đã lan tỏa đến Trường Đại học Đà Lạt nhằm thúc đẩy sinh viên vào cuộc, chung tay hành động vì động vật hoang dã.

Sinh viên Đại học Đà Lạt chia sẻ quan điểm về săn bắt, mua bán ĐVHD

Ngày 19/4, WWF Việt Nam, Ban Quản lý Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tỉnh Lâm Đồng, Chi cục Kiểm lâm và Trường Đại học Đà Lạt đã phối hợp tổ chức tọa đàm với chủ đề “Hành động vì động vật hoang dã (ĐVHD)”.

Sinh viên biểu diễn một số tiết mục kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

Hơn 300 sinh viên và giảng viên trẻ Trường Đại học Đà Lạt tham dự tọa đàm, giao lưu với diễn giả Đỗ Doãn Hoàng và các chuyên gia về các chương trình hành động bảo vệ ĐVHD, trong đó có chiến dịch truyền thông “Bẻ gãy mắt xích tiêu dùng thịt động vật hoang dã”.

Sinh viên tham gia truyền thông “Bẻ gãy mắt xích tiêu dùng thịt động vật hoang dã”

Theo ông Nguyễn Lương Minh, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VFBC Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà, việc săn bắt, buôn bán và tiêu thụ trái phép ĐVHD là những nguyên nhân chính khiến số lượng thú hoang giảm mạnh.

“Chúng tôi mong muốn mỗi sinh viên là một tuyên truyền viên truyền tải thông điệp “Ngừng sử dụng thịt ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD” đến tất cả bạn bè, người thân và cộng đồng dân cư để giữ cân bằng sinh thái cho sự phát triển bền vững của muôn loài”, ông Minh nhấn mạnh.

Diễn giả Đỗ Doãn Hoàng cho rằng một trong những hành vi phổ biến và tồn tại ở tất cả các địa phương là tiêu thụ thịt ĐVHD vẫn đang tiếp diễn. Người ta tiêu diệt thú rừng bằng bẫy, dao, súng tự chế; thậm chí cả AK và chó săn tinh nhuệ.

Diễn giả Đỗ Hoàng Giang cung cấp cho sinh viên nhiều thông tin về nạn săn bắt, nuôi nhốt ĐVHD

Kết quả khảo sát về tiêu thụ thịt ĐVHD do WWF thực hiện trong năm 2021-2022 cho thấy, 3 nhóm khách hàng chính tiêu thụ thịt động vật hoang dã nằm trong độ tuổi từ 20 - 49. Trong đó, nhóm khách hàng trẻ trong độ tuổi 20 - 29 ở khu vực thành thị chiếm tỉ lệ khá cao và 50% số người trong nhóm khách hàng 20-29 là thanh niên.

Trước tình hình đó, ông Đỗ Doãn Hoàng kêu gọi giới trẻ cam kết “Nói không với tiêu thụ thịt ĐVHD” và góp phần “Bẻ gãy mắt xích tiêu dùng thịt động vật hoang dã” bằng cách tố giác hành vi săn bắt, mua bán và tiêu thụ ĐVHD.

Diễn giả giải đáp những thắc mắc cho sinh viên về lĩnh vực bảo vệ ĐVHD

Những thông tin bổ ích và hình ảnh sống động về “cuộc chiến” chống những kẻ thẳng tay tàn sát, mua bán động vật hoang dã của diễn giả này đã giúp sinh viên nâng cao ý thức thực thi pháp luật; đồng thời thúc giục họ cùng hành động vì ĐVHD ở Việt Nam.

Thu giữ vũ khí trong một vụ án săn bắt ĐVHD ở Lâm Đồng

Tham dự cuộc tọa đàm, nữ sinh viên Hoài Thương (khoa Nông Lâm) chia sẻ: “Mỗi loài thú là mắt xích quan trọng của chuỗi dinh dưỡng trong môi trường thiên nhiên; góp phần cân bằng vật chất của trái đất; giúp làm phát tán hạt giống, duy trì sự sống của nhiều loại thực vật. Do đó, nếu con người không ăn thịt thú rừng sẽ làm giảm áp lực và khiến môi trường bền vững hơn.

Lực lượng chức năng thu giữ bẫy thú trong rừng

Nam sinh viên Đỗ Thanh Phong (khoa Tài chính-Kế toán), người tham gia nhiều hoạt động tình nguyện cảnh báo: việc săn bắt, mua bán thú rừng ngày càng tinh vi, phức tạp. Tuy nhiên, “lưới trời lồng lộng”, nhiều đối tượng đã vướng vòng lao lý, trả giá cho hành vi sát hại ĐVHD quý hiếm.

Đọc bài gốc tại đây.