Sắp xếp khu phố, ấp tại TPHCM ảnh hưởng tuyển sinh đầu cấp thế nào?

23/04 20:04
 

TPO - TPHCM đang trong quá trình sắp xếp lại khu phố, ấp. Lãnh đạo nhiều phòng giáo dục tại TPHCM đều khẳng định sẽ phân tuyến học sinh vào mẫu giáo, lớp 1 và lớp 6 theo đơn vị hành chính cũ để tránh gây xáo trộn.

Sắp xếp khu phố, ấp không theo kịp tiến độ tuyển sinh

Tại cuộc họp giao ban giữa Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM với trưởng phòng GD&ĐT thành phố Thủ Đức và 21 quận huyện sáng 23/4, nhiều lãnh đạo phòng giáo dục bày tỏ việc sắp xếp khu phố, ấp không theo kịp tiến độ tuyển sinh đầu cấp năm nay.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Nhàn Lê

Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh cho biết quận muốn đồng bộ việc tuyển sinh năm nay theo khu phố, ấp mới nhưng không kịp. Do đó, địa phương tiếp tục tuyển sinh theo đơn vị hành chính cũ.

“Một xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh) trước chỉ có 4 ấp, giờ lên 16 ấp. Do đó, việc điều chỉnh thông tin không kịp theo tiến độ tuyển sinh. Phòng tham mưu UBND huyện phân tuyến theo ấp cũ nhưng vẫn tuyên truyền thông tin để người dân quen dần với việc sắp xếp đơn vị hành chính mới”, bà Châu cho hay.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp chia sẻ, có rất nhiều phụ huynh băn khoăn việc phân tuyến tuyển sinh thế nào khi thành phố xây dựng khu phố, ấp.

"Việc đổi giấy tờ cho người dân vẫn còn đang thực hiện từ từ. Do đó chúng tôi tham mưu phân tuyến theo đơn vị hành chính cũ, nếu làm theo đơn vị hành chính mới thì sẽ không đồng bộ", ông Thanh nói.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nhàn Lê

Đối với công tác tuyển sinh vào lớp 6, ông Thanh cho hay, trước đây thành phố giao cho các quận, huyện tự xây dựng kế hoạch tuyển sinh. Quận Gò Vấp xét tuyển vào các trường tiên tiến, hội nhập dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ. Trong năm học tới, thành phố yêu cầu các địa phương phải xây dựng kế hoạch khảo sát.

"Khảo sát tức là tổ chức một kỳ thi. Vậy ai chịu trách nhiệm? Ai ra đề? Nhu cầu phụ huynh cho con thi vào các trường tiên tiến, hội nhập quốc tế lớn nên chúng tôi chờ ý kiến của Sở để đảm bảo tổ chức một kỳ tuyển sinh nhận được sự đồng thuận từ phụ huynh", ông Thanh nêu ý kiến.

Giải đáp vấn đề trên, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Hiếu cho biết, trong bối cảnh TPHCM đang thực hiện sắp xếp lại tổ, khu phố, ấp, tùy vào tình hình thực tế, địa phương có thể phân tuyến dựa theo đơn vị hành chính mới hoặc áp dụng theo đơn vị hành chính cũ. Ban chỉ đạo tuyển sinh thành phố Thủ Đức và các quận, huyện linh hoạt thực hiện theo điều kiện thực tế sao cho đáp ứng tốt nhất nhu cầu thực tế của người dân.

Hy sinh xây dựng trường chuẩn để có đủ chỗ học

Tại cuộc họp, vấn đề xây dựng trường lớp để chuẩn bị cho năm học mới cũng được nhiều quận, huyện đề cập.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân thông tin, trong năm học 2024-2025, sẽ có 7 trường mới tại quận đi vào hoạt động, trong đó có 5 trường tiểu học, 1 trường mầm non, 1 trường THCS.

“10 năm trở lại đây, đây là năm học quận xây mới nhiều phòng học nhất. Tới năm học 2025-2026, quận tiếp tục đưa vào sử dụng thêm 9 trường học nữa. Việc có thêm trường giải quyết được chỗ học của học sinh”, ông Tuyên khẳng định.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân. Ảnh: Nhàn Lê

Ông Tuyên cho biết thêm, tổng số học sinh toàn quận trong năm học 2024-2025 khoảng 124.000 em, tăng hơn 3.400 học sinh. Tuy vậy, nhờ vào việc khánh thành nhiều trường học, sĩ số học sinh/lớp giảm hơn những năm trước. Trong đó, khối Tiểu học duy trì 37, 38 học sinh/lớp, còn cấp THCS khoảng 45 học sinh/lớp.

Bà Lê Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nhà Bè nêu khó khăn, thị trấn Nhà Bè (huyện Nhà Bè) phải thực hiện đô thị thông minh, trong đó 60% các trường phải đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên ở thị trấn hiện chỉ có một trường trong tổng số 7 trường đạt chuẩn, nhiệm vụ phải có 3 trường nữa.

“Trong khi đó số lượng học sinh/lớp khá đông, rất khó thực hiện chuẩn quốc gia. Nếu không xây dựng đô thị thông minh, thị trấn sẽ không đạt được tiêu chí nông thôn mới nâng cao”, bà Oanh nêu thông tin.

Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh việc đi học của học sinh phải được ưu tiên hàng đầu.

"Chúng ta có thể hy sinh xây dựng trường chuẩn để có đủ chỗ học cho học sinh. Địa phương phải ưu tiên xây dựng đầu tư trường lớp. Lãnh đạo các quận, huyện phải dự báo trước tình hình tăng học sinh mỗi năm để tham mưu các cơ quan có kế hoạch xây dựng trường lớp phù hợp", ông Hiếu bày tỏ.

Liên quan đến kế hoạch xây dựng Trường mầm non Vàng Anh (quận 5) theo mô hình tự chủ tài chính, ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng GD&ĐT quận 5 cho biết, đây là đơn vị được UBND quận chọn xây dựng mô hình trường tự chủ tài chính đầu tiên trên địa bàn quận.

Trường nằm trong cụm phường 2,3 của quận 5, nơi địa phương đang xây dựng lộ trình mô hình trường học tự chủ cho một số trường học. Việc này bám sát Nghị quyết 19 của Trung Ương, Nghị định 60 của Chính phủ.

Trường mầm non Vàng Anh xuất thân là trường bán công, sau đó là trường công lập, trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến hội nhập và đang hướng đến trường tự chủ. Trường được đánh giá có chất lượng tốt, nên quận muốn tiến đến mô hình chất lượng tốt hơn nữa. Vừa qua chỉ là một bước khảo sát, lãnh đạo quận sẽ nghiên cứu để có định hướng tiếp theo.

Hiện trên địa bàn quận 5 cũng có nhiều mô hình trường mầm non khác, có trường vừa xây mới, trường chuẩn quốc gia, trường tiên tiến hội nhập. Phụ huynh có nhiều trường để lựa chọn cho con theo học.

Đọc bài gốc tại đây.