'Tập đoàn' đòi nợ kiểu khủng bố của ông trùm trốn truy nã

21/07 11:49
 

Lê Quốc Thống mua 238.000 khoản nợ xấu từ công ty tài chính, tổng trị giá hơn 3.500 tỷ đồng, giao cho 114 nhân viên đòi nợ kiểu khủng bố, song đang bỏ trốn.

Ngày 21/7, 45 "đàn em" của Thống, 47 tuổi, bị TAND Hà Nội xét xử về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Thống được xác định có vai trò cao nhất vụ án, đang bị truy nã. Trong số các bị cáo có 2 "cánh tay" đắc lực của ông trùm gồm Trần Hồng Tiến (51 tuổi, giám đốc điều hành toàn hệ thống); Nguyễn Đức Khoa (34 tuổi, cấp phó của Thống, kiêm tổng giám đốc 3 công ty).

Mua hơn 3.500 tỷ đồng nợ xấu từ đâu?

Theo cáo trạng được VKS công bố sáng nay, Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam cho cá nhân vay tiền dưới hình thức tín chấp. Người vay phải cung cấp bản photocopy chứng minh thư, hộ khẩu, số điện thoại đang sử dụng, số điện thoại của người thân, bạn bè.

Hàng tháng khách phải trả tiền gốc và lãi. Các khoản vay cá nhân chậm trả hoặc không thực hiện việc trả tiền gốc và lãi vay (gọi là nợ xấu) được Mirae Asset ký hợp đồng bán nợ cho các công ty khác để thu hồi. Trong đó có 7 công ty do Thống và Tiến đồng thành lập, mua nợ với giá 12-15% giá trị khoản nợ, sau đó đòi tiền khách vay.

Các công ty này gồm: Công ty cổ phần đầu tư Omnia; Công ty Luật TNHH Kiến Cường; Công ty TNHH Mua Bán Nợ DSP; Công ty cổ phần Dịch vụ tài chính Thời Đại; Công ty cổ phần Dịch vụ tài chính Kiên Long; Công ty cổ phần Dịch vụ tài chính Bắc Á; Công ty cổ phần Dịch vụ tài chính Nam Á.

Những doanh nghiệp trên do nhân viên của Thống và Tiến đứng tên, nhưng thực chất đều do hai "ông trùm" điều hành, cùng cách thức siết nợ, cùng nơi làm việc dù được đăng ký kinh doanh ở nhiều địa chỉ. Theo VKS, điều này nhằm "che giấu và trốn tránh, không để công an phát hiện ra hoạt động thu hồi nợ trái pháp luật".

Nhà chức trách xác định, từ tháng 7/2018-8/2022, nhóm Thống, Tiến đã mua 238.160 khoản nợ từ Mirae Asset, tổng giá trị hơn 3.500 tỷ đồng và đã đòi được 571 tỷ.

Nỗ lực 'khủng bố' tinh thần người vay để ăn %

Sau khi được Mirae Asset bàn giao các thông tin khách hàng và khoản nợ của khách, Thống và Tiến giao cho Bộ phận vận hành (Accout) cùng bộ phận kỹ thuật (IT) cập nhật các thông tin vào hệ thống riêng của 7 công ty. Thông tin khách nợ sau đó sẽ được chia cho 103 "nhân viên thu nợ" để trực tiếp đi đòi.

Mỗi nhân viên đòi nợ sẽ được giao chỉ tiêu đòi 400-500 người một tháng. 103 nhân viên này, chủ yếu 20-30 tuổi, được chia thành 11 nhóm, mỗi nhóm có "KPI" phải đòi được bao nhiêu tiền mỗi tháng. Nếu hai tháng liên tiếp không đòi đủ số tiền theo quy định sẽ bị đuổi việc, cáo trạng nêu.

Các bị can là trưởng nhóm do đó luôn đốc thúc nhân viên tích cực đòi nợ để đạt được doanh số và để được thưởng % theo khoản nợ đã đòi thành công. Khách đồng ý trả tiền sẽ thanh toán trực tiếp tại trụ sở văn phòng hoặc chuyển khoản vào 4 tài khoản ngân hàng của công ty.

Ngoài ra, công ty trang bị hệ thống tổng đài gọi tự động để gọi cho khách hàng, phần mềm chuyển giọng nói qua điện thoại (giọng nam có thể thay đổi sang giọng nữ và ngược lại) để nhân viên gọi cho con nợ.

Quá trình hoạt động đến tháng 2/2022, 7 công ty của Thống có 114 nhân viên, được chia làm 5 bộ phận.

Bộ phận nhân sự do Nguyễn Thị Ái Vân làm trưởng bộ phận, có nhiệm vụ phỏng vấn, nhận hồ sơ xin việc của nhân viên, lập bảng chấm công, làm các giấy tờ gửi xe, thẻ ngân hàng... cho các nhân viên. Bộ phận kế toán do Võ Thị Cẩm Vân đứng đầu, có nhiệm vụ tính tiền lương cho nhân viên và nhận, tổng hợp biên lai người trả nợ.

Bộ phận vận hành Accout do Nguyễn Thị Kim Trâm làm trưởng bộ phận, có nhiệm vụ quản lý, chia sẻ dữ liệu của khách nợ vào các tài khoản của nhân viên đòi nợ.

Bộ phận kỹ thuật (IT) do Phạm Văn Sơn đứng đầu, quản lý các tài khoản của nhân viên; cấp quyền account, truy cập vào account của nhân viên thu nợ để kiểm tra thông tin khách hàng vay được giao cho nhân viên, sửa chữa, khắc phục các thông tin lỗi (không hiện hồ sơ khách hàng, không đăng nhập hồ sơ khách hàng). Ngoài ra, IT còn hỗ trợ cắt, ghép ảnh đồi trụy của con nợ và hỗ trợ xóa các ảnh này khi đã trả hết nợ.

Bộ phận thu hồi nợ do Lê Hiền Thảo (đang bỏ trốn) làm trưởng bộ phận có nhiệm vụ quản lý, điều hành 103 nhân viên đòi nợ, hướng dẫn cách thức.

Cắt ghép ảnh đồi trụy ép trả nợ

VKS cáo buộc, thủ đoạn đòi nợ được áp dụng là: dùng nhiều số điện thoại sim "rác", liên tục gọi điện, nhắn tin chửi bới, đe dọa giết con cái, người thân, đồng nghiệp của khách vay, mặc dù họ không liên quan gì đến khoản vay... nhằm gây sức ép để buộc người vay trả nợ.

Chiêu mạnh hơn là các bị can sẽ cắt ghép hình ảnh người vay hoặc người thân của họ vào các hình ảnh đồi trụy, các thông tin không đúng sự thật (chửa hoang, hành nghề mại dâm, loạn luân, nghiện ma túy, cặp bồ đồng nghiệp) và đăng tải, bình luận lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự.

Như trường hợp anh Nam 42 tuổi ngụ Hà Nội, vay 50 triệu đồng, lãi suất 5,25%/tháng trong vòng 24 tháng - mỗi tháng phải trả 3,7 triệu đồng. Anh này trả được 12 tháng thì không còn khả năng. Khoản nợ của anh sau đó được Công ty Mirea Asset bán cho công ty của Thống rồi được tính lên 175 triệu đồng cả gốc và lãi, phạt.

Sau khi gọi điện đòi vợ chồng anh Nam, nhân viên của Thống tiếp tục gọi điện đến trường tiểu học và cô giáo chủ nhiệm của con trai anh, mạo danh người nhà đến đón cháu. Khi trường không đồng ý, website và fanpage của trường liên tục bị nhóm này bình luận xúc phạm, chửi bới, tung tin giáo viên đánh học sinh.

Cáo trạng nêu, các bị can đã xóa những bài viết này, cơ quan điều tra không thu giữ được hình ảnh, thông tin gốc nên không có căn cứ xác định được thời lượng đăng tải, lượng người đã xem hình ảnh. Do đó, nhà chức trách chưa đủ căn cứ xử lý các bị can về tội Vu khống hoặc Làm nhục người khác.

Đến nay cơ quan điều tra mới xác định được 26 người bị đe dọa, cưỡng đoạt tổng 904 triệu đồng; những trường hợp còn lại đã ủy thác cho công an các tỉnh thành tiếp tục tìm thông tin, tách hồ sơ xử lý.

VKS xác định, vợ của Thống xuất cảnh tháng 8/2022, chưa có thông tin nhập cảnh nên chưa ghi được lời khai, chưa làm rõ được vai trò của trong vụ án, hiện đã tách hành vi để điều tra xử lý sau.

Đối với Công ty Mirae Asset Việt Nam, kết quả điều tra xác định khi bán các khoản nợ xấu cho các công ty của Thống, lãi suất các khoản vay đều dưới 100%/năm. Doanh nghiệp này "không biết các hành vi cưỡng đoạt tài sản" của Thống và đồng phạm nên không bị xử lý hành vi Cưỡng đoạt tài sảnCho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Phiên tòa sẽ kéo dài trong 7 ngày.

Hải Thư

Đọc bài gốc tại đây.