Hà Nội sẽ chi hơn 3.060 tỉ đồng để hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố năm học 2025-2026.
Hà Nội sẽ chi hơn 3.060 tỉ đồng để hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố năm học 2025-2026.
Quyết định hỗ trợ này đã được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp thứ 25, diễn ra chiều 9.7.
Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, học sinh đang học tại cơ sở giáo dục ở miền núi và xã thuộc bãi giữa sông Hồng được hỗ trợ 30.000 đồng/em/ngày. Học sinh tiểu học đang theo học tại cơ sở giáo dục trên địa bàn còn lại được hỗ trợ 20.000 đồng/em/ngày.
Số học sinh tiểu học Hà Nội được hỗ trợ khoảng 768.000 em, trong đó công lập là 707.720 em; tư thục 60.270 em.
Như vậy, từ niên học 2025-2026, ngoài được miễn và hỗ trợ học phí, học sinh cấp tiểu học ở Hà Nội còn được hỗ trợ bữa ăn bán trú.
UBND TP Hà Nội giải thích, học sinh cấp tiểu học đang trong độ tuổi phát triển mạnh mẽ cả về thể chất, trí tuệ, đòi hỏi năng lượng và dinh dưỡng đầy đủ nên việc tổ chức bữa ăn bán trú cho 100% học sinh tại nhà trường là cần thiết.
Trẻ em được học hành, ăn uống đủ dinh dưỡng là điều mà người dân mong đợi, chính quyền quyết tâm thực hiện. Địa phương nào đủ điều kiện cũng nên triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học, nếu không được 20.000 - 30.000 đồng như Hà Nội thì có thể thấp hơn.
Theo phân tích của UBND TP Hà Nội, học sinh được ăn trưa tại trường, phụ huynh sẽ không phải vất vả đưa đón con giữa buổi, tiết kiệm được thời gian, công sức, từ đó chuyên tâm vào công việc.
Điều này rất đúng, nhất là sau sáp nhập, nhiều cán bộ, công chức có nhu cầu gửi con học bán trú để chủ động thời gian cho công việc.
Tuy nhiên, xét trên phạm vi toàn quốc, còn nhiều địa phương khác là các tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa, chưa đủ điều kiện như Hà Nội hay các tỉnh, thành phố phát triển kinh tế thì trẻ em phải chịu thiệt thòi.
Nhiều ngôi trường ở các tỉnh miền núi còn tuềnh toàng, học sinh đi học xa, thậm chí trèo đèo vượt suối. Ở các vùng này, bữa ăn bán trú của các em còn thiếu thốn, không đủ dinh dưỡng.
Trong những năm qua, có nhiều chương trình "bữa cơm có thịt" để cung cấp thêm dinh dưỡng cho các em ở các vùng còn khó khăn. Các chương trình này hỗ trợ được phần nào cho bữa ăn của học sinh nghèo nhưng không ổn định và phủ đều được khắp các địa phương.
Đối với các địa phương này, rất cần chính sách hỗ trợ từ Trung ương để tăng dinh dưỡng cho bữa ăn bán trú. Thêm ít tiền cho một bữa ăn không chỉ để "cơm có thịt", mà còn giảm bớt sự thiệt thòi cho trẻ em tỉnh nghèo.
Đọc bài gốc tại đây.