TPO - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin, tới đây cấp xã sẽ rất mạnh khi ở cấp huyện sẽ bỏ nhiều đơn vị. "Bây giờ thanh tra cấp huyện không còn, công an cấp huyện không còn mà tới đây còn nhiều đơn vị nữa. Tập trung cho xã, phân quyền cho xã thì phải hết sức lưu ý..."
Ngày 5/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, dự thảo luật gồm 5 chương, 35 điều, so với luật hiện hành giảm 2 chương và 15 điều. Mục tiêu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, thường trực Ủy ban tán thành với quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền theo dự thảo luật. Cơ quan thẩm tra cũng tán thành với nội dung về phân cấp trong dự thảo luật nhằm thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, mục tiêu sửa Luật Tổ chức Chính phủ để phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Chính phủ, giúp Chính phủ chủ động giải quyết các vấn đề.
Nhấn mạnh quan điểm "lạt mềm buộc chặt", Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các quy định liên quan phân cấp, phân quyền cần đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Ngoài ra, việc phân định thẩm quyền cũng là nội dung rất quan trọng, do vậy, cần bám sát chỉ đạo của cấp thẩm quyền, phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trong đó, các nguyên tắc cơ bản quy định rõ quan hệ giữa Chính phủ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội. Đồng thời, cần phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan hành pháp, tư pháp đảm bảo đúng vai, thuộc bài.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp. |
Trung ương kiến tạo, Quốc hội giám sát, Chính phủ điều hành
Chủ tịch Quốc hội nhắc lại quan điểm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương kiến tạo, Quốc hội giám sát và Chính phủ điều hành.
"Tới đây, Quốc hội không quản lý danh mục đầu tư công, danh mục tiền mà giao một khối cho Chính phủ và Chính phủ chịu trách nhiệm phân bổ về cho địa phương. Thủ tướng nói với tôi, cũng giao quyền lại cho bộ, ngành, địa phương", ông Trần Thanh Mẫn nêu.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, làm rõ hơn khả năng đáp ứng của các cơ quan, tổ chức người được phân cấp, đảm bảo tính khả thi, tránh đùn đẩy trách nhiệm. Thực tế, cũng một luật, nghị định, thông tư nhưng có địa phương làm quyết liệt, không “xin xỏ” trung ương, không nói khó, nhưng có địa phương cứ kêu tại luật, nghị định, thông tư...
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội thông tin, tới đây cấp xã sẽ rất mạnh khi ở cấp huyện sẽ bỏ nhiều đơn vị. "Bây giờ thanh tra cấp huyện không còn, công an cấp huyện không còn mà tới đây còn nhiều đơn vị nữa. Tập trung cho xã, phân quyền cho xã thì phải hết sức lưu ý. Đã phân cấp phải rõ còn phân cấp tiếp thế nào thì làm cho rõ", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phải bảo đảm không chồng chéo, không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước…
Đọc bài gốc tại đây.