Thủ khoa đạt điểm thi đánh giá năng lực cao nhất từ trước đến nay

08/06 10:01
 

Phan Lê Thúc Bảo đạt 1.133/1.200 điểm, là thủ khoa điểm cao nhất kể từ khi kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM được tổ chức.

Thúc Bảo, 18 tuổi, học sinh THPT chuyên Quốc học Huế, đạt điểm số trên trong kỳ thi đợt 2, hôm 28/5.

Trong bốn phần của đề thi, Bảo giành điểm tuyệt đối 300/300 ở phần Toán - Logic - Phân tích số liệu, Tiếng Việt đạt 173 điểm, Tiếng Anh 186, Khoa học tự nhiên 287 và Khoa học xã hội 187 điểm.

Theo phổ điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP HCM công bố, nam sinh là thủ khoa năm nay. Kể từ khi kỳ thi được tổ chức vào năm 2018, Bảo cũng là người giành được số điểm cao nhất.

"Dù làm bài tốt nhưng em không thể tin mình lại đạt điểm cao như thế, nhất là phần thi Tiếng Việt", Bảo cho hay. Hồi cuối tháng 3, nam sinh đã tham gia kỳ thi đợt 1 và đạt 1.052 điểm - thuộc top 20 người có điểm cao nhất.

Thầy Hoàng Phước Lợi, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Toán 1, nói không quá bất ngờ với kết quả của Bảo. Theo thầy, nam sinh học giỏi toàn diện.

"Không chỉ môn chuyên, Bảo học rất tốt các môn khác, điểm số luôn ở top cao", thầy Lợi nói. Ngoài ra, thầy nhận xét Bảo là người hòa đồng, thân thiện với bạn bè.

Thúc Bảo sinh ra tại Quảng Bình, bố mẹ đều là giáo viên. Sau khi thi đậu vào lớp chuyên Toán của trường THPT chuyên Quốc học Huế, Bảo chuyển đến sống cùng cô ruột để tiện đi học.

Bảo nói tuy xa nhà, nhớ bố mẹ nhưng đó là động lực để em cố gắng học tập thật tốt. Năm lớp 11, nam sinh giành suất chơi trận chung kết Quý II cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và về nhì với 110 điểm. Bảo cũng sở hữu chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.5.

Bước vào lớp 12, nam sinh có mục tiêu kép: vừa tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT với tổ hợp khối A01 (Toán, Vật Lý, Tiếng Anh) vừa chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực. Theo nhận định của Bảo, nội dung kiến thức của hai kỳ thi tương tự nhau, cần học đều đặn, chuẩn bị từ sớm. Vì thế, trước kỳ thi đánh giá năng lực khoảng hai tháng, nam sinh mới tăng tốc ôn tập.

Là dân chuyên Toán, Bảo không gặp khó khi ôn thi các môn Khoa học tự nhiên. Với môn Toán và Sinh học, em tập trung nghe hiểu ngay trên lớp, ôn luyện bằng cách làm bài tập và giải các đề thi thử. Riêng môn Vật lý, nam sinh đầu tư nhiều thời gian hơn, cả tự học và đi học thêm, vì đây là môn thi tốt nghiệp nằm trong tổ hợp em định dùng xét tuyển đại học.

Với các môn Khoa học xã hội, ngoài chịu khó nghe giảng ở lớp, Bảo còn tìm hiểu kiến thức trên mạng xã hội, cập nhật thời sự. Đặc biệt ở môn Địa lý, Bảo kể may mắn được học một giáo viên vô cùng hài hước, giúp em tiếp thu kiến thức rất nhanh. Còn ở phần Tiếng Việt, nam sinh dành thời gian đọc lại tất cả kiến thức từ cấp hai, sau đó hệ thống lại để ôn tập.

Bảo có một nhóm bạn thân, cùng ôn tập và thường xuyên trao đổi kiến thức. "Bọn em cùng giải đề, khi ra chơi thì thảo luận, so đáp án", Bảo nói, nhìn nhận đây là cách học rất hiệu quả.

Một điều quan trọng nữa, theo Bảo là giữ tâm trạng thoải mái, không áp lực. Nam sinh luôn tập trung hiểu bài luôn ở lớp, dành thời gian chơi, nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya khi về nhà.

"Em học buổi sáng ở trường, chiều học khoảng một tiếng rồi đi học thêm từ 5 đến 7 giờ tối. Sau khi tắm rửa, ăn uống, nằm nghỉ, em học khoảng hai tiếng rồi đi ngủ", nam sinh chia sẻ.

Nhờ chuẩn bị sớm, ở cả hai lần thi, Bảo đều giành thành tích tốt. Theo nam sinh, đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM khá hay, đánh giá đúng thành quả học tập của thí sinh.

Ở phần Toán - Logic - Phân tích số liệu, nội dung đề thi Toán rơi vào kiến thức cơ bản về hàm số, tích phân, số phức; đề Phân tích số liệu đưa ra các yêu cầu dựa trên biểu bảng, đều không gây khó cho Bảo. Thử thách hơn với em là bài Logic vì yêu cầu suy luận nhiều, liên quan đến kiến thức tổ hợp, xác suất.

"Ở lần thi đầu, em đã bị lừa ở một vài câu số phức, nhưng lần này em rất tự tin", nam sinh nói.

Trong phần thi Khoa học tự nhiên, Thúc Bảo cho rằng môn khó nhất là Sinh học với phần nhận định đúng - sai. Nam sinh đoán mình đã mất 13 điểm của phần thi vì những câu hỏi dạng này.

Với Khoa học xã hội, Tiếng Anh, Thúc Bảo dễ dàng vượt qua. Theo nam sinh, các kiến thức chủ yếu nằm trong sách giáo khoa.

Tiếng Việt là phần thi "khó nhằn" nhất, theo Thúc Bảo. Nam sinh nói học Văn ở lớp thường thiên về luyện hành văn, kiến thức văn hóa, nhưng đề thi đánh giá năng lực sẽ thiên về lý thuyết từ loại. Nếu không ôn tập kỹ, thí sinh sẽ thấy lạ lẫm, khó làm tốt.

Để đạt được điểm số ưng ý, Thúc Bảo cho rằng yếu tố then chốt là rèn luyện sớm.

"Kiến thức, kỹ năng là thứ phải tích lũy cả một hành trình. Em đi thi và mang những điều đã tích lũy được sau ba năm học tập chứ không phải ngày một ngày hai", Bảo nói.

Theo Thúc Bảo, thí sinh luyện thi đánh giá năng lực nên bám vào cấu trúc đề, xác định điểm mạnh, điểm yếu của mình để phân bổ thời gian các môn hợp lý.

Trong quá trình làm bài, thí sinh phải giữ tâm lý ổn định. "Nếu vẫn giữ được bình tĩnh sau khi làm được hơn 100/120 câu thì đó đã là một yếu tố quyết định thành bại, đề thi có thể đánh lừa bạn nếu bạn không thể tập trung xuyên suốt cả bài", Thúc Bảo chia sẻ.

Ngoài ra, thí sinh cần dành thời gian xem lại bài. Bảo thường dư khoảng 20 phút để rà soát lại toàn bộ bài làm, kiểm tra xem đã tô đủ đáp án hay chưa.

Nam sinh sẽ dùng điểm thi đánh giá năng lực để đăng ký vào chương trình tiên tiến ngành Khoa học máy tính của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM.

Doãn Hùng

Đọc bài gốc tại đây.