'Toàn hệ thống chính trị TP.HCM đã nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc, đề ra những cơ chế chính sách mới. Những việc này tạo ra nền tảng để TP.HCM sẵn sàng tăng tốc, bứt phá trong năm 2025', Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá.
Trong không khí rộn ràng những ngày giáp Tết, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có buổi gặp gỡ thân mật với các phóng viên để chia sẻ về những thành quả TP.HCM đạt được trong năm qua cũng như những dự định, ấp ủ cho năm mới.
Thông qua các cơ quan báo chí, ông Phan Văn Mãi đã gửi lời cảm ơn và khẳng định vai trò rất lớn của người dân và doanh nghiệp trong sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, để đưa tăng trưởng lên hai con số.
TP.HCM phát hành trái phiếu để hút vốn theo từng dự án
* Thưa ông, nhân 23 tháng chạp, ngày tiễn ông Công ông Táo về trời, nếu dùng hai chữ để bẩm báo Ngọc Hoàng về những kết quả mà TP.HCM đạt được trong năm 2024, theo ông đó là gì?
- Dùng một từ để nói về một năm thì rất khó, nhưng xét trong bối cảnh sắp tới, tôi chọn từ "nền tảng". Nền tảng cho bứt phá, nền tảng để vươn mình, để TP.HCM cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.
* Năm 2024 là nền tảng thì năm 2025 là gì?
- Năm 2024 là năm tạo nền tảng. Toàn hệ thống chính trị TP.HCM đã nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc, đề ra những cơ chế chính sách mới. Những việc này tạo ra nền tảng để TP.HCM sẵn sàng tăng tốc, bứt phá trong năm 2025. Như vậy năm 2025 sẽ là "chung sức, đồng lòng, bứt phá, thành công".
TP.HCM muốn phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ có sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà phải có sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tất cả chúng ta chung sức đồng lòng, hành động quyết liệt, đột phá cách làm thì chắc chắn sẽ mang lại kết quả.
* Để tăng trưởng đạt hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030, TP.HCM cần huy động 4,4 triệu tỉ đồng, trong đó 75% là vốn ngoài ngân sách. TP.HCM làm gì để phát huy vai trò của người dân và doanh nghiệp trong đầu tư nguồn lực?
- TP.HCM xác định phải huy động được ít nhất 5 triệu tỉ đồng để đầu tư hạ tầng, giao thông đô thị, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ...
Trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành cơ bản hạ tầng giao thông gồm nội bộ và kết nối.
Đến năm 2035 hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị. TP.HCM cần lượng vốn rất lớn.
Với 5 triệu tỉ này, TP.HCM đã có tính toán chi tiết: đầu tư công chiếm 25%, còn lại là vốn ngoài ngân sách. TP.HCM phải có cơ chế, chính sách để thu hút vốn ngoài ngân sách.
Vừa qua TP.HCM đã công bố quy hoạch, từ đây dành nguồn lực đất đai để khuyến khích đầu tư các dự án lớn, tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục, giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư.
TP.HCM phải tận dụng hiệu quả nghị quyết 98, thậm chí là nghiên cứu thêm các cơ chế chính sách mới để thu hút vốn. Ví dụ ngân sách bỏ ra 1 đồng thì thu hút 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách.
Vừa rồi TP.HCM cũng có cơ chế hợp vốn giữa Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) và ngân hàng hợp vốn cho vay. Ví dụ với một dự án, HFIC bỏ ra 2 đồng thì ngân hàng này bỏ ra 8 đồng thành 10 đồng. Những cơ chế này sẽ được phát huy.
Bên cạnh đó tùy theo chương trình dự án mà TP.HCM sẽ có chương trình phát hành trái phiếu chính quyền đô thị, trái phiếu công trình để huy động ngay nguồn vốn trong người dân tại TP, cả nước và kiều bào. Năm 2024 kiều hối về TP.HCM đạt 9,6 tỉ USD. Đây là số tiền lớn, nếu có chính sách thì có thể huy động được một phần trong số tiền này tham gia vào các công việc của TP.HCM.
Tôi tin rằng nguồn vốn của TP.HCM sẽ không thiếu, nhưng quan trọng là cách làm và cách chúng ta huy động, giải ngân như thế nào. TP.HCM cũng phải chuẩn bị sâu hơn về mặt quy hoạch, hồ sơ, đội hình đội ngũ và cả tâm thế mới để thực hiện.
Thu hút nguồn lực xã hội
* Cũng về câu chuyện này, vừa qua Vingroup muốn đầu tư phát triển đường sắt đô thị từ trung tâm TP.HCM đi Cần Giờ. Ông có đánh giá gì về mối quan tâm của các nhà đầu tư lớn với các dự án của TP.HCM?
- Sau phát biểu của Thủ tướng tại hội nghị công bố quy hoạch TP.HCM, chúng tôi đã làm việc với nhà đầu tư, thống nhất với nhau là nhà đầu tư sẽ lo kinh phí nghiên cứu, các cơ quan của TP sẽ phối hợp và hỗ trợ cho nhà đầu tư, cập nhật vào quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu.
Không chỉ Vingroup trong dự án này mà đối với các nhà đầu tư khác chúng tôi đều có sự phối hợp để triển khai. Thời gian sắp tới khi TP.HCM công bố quy hoạch, hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch phân khu, chúng tôi khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến nghiên cứu và đề xuất làm dự án lớn.
TP.HCM sẽ đồng hành và hỗ trợ trong quá trình nghiên cứu, đồng thời có hỗ trợ tích cực để cải thiện thủ tục, môi trường. Với cách làm này, tôi tin rằng nguồn lực xã hội sẽ đổ vào dự án và đóng góp vào tăng trưởng.
* Còn vai trò của trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP.HCM trong việc huy động nguồn đầu tư xã hội?
- Sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, TP.HCM đang rất khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo. TP.HCM cùng Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội thông qua nghị quyết.
Nghị quyết này sẽ ban hành cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư, thành phần tham gia vào trung tâm tài chính. Đây chắc chắn sẽ là nguồn lực rất lớn về mặt tài chính cho nhu cầu đầu tư phát triển của TP.HCM.
Về đánh giá chung, việc đóng góp của trung tâm tài chính trong việc huy động nguồn vốn đầu tư phát triển TP là đương nhiên, không chỉ TP.HCM mà còn cho cả nước.
Tất nhiên ở những giai đoạn khác nhau thì sự hiện diện của các tổ chức tài chính sẽ tùy thuộc vào việc thiết kế của TP. Tuy nhiên đây là kênh dẫn vốn quan trọng cho nhu cầu vốn của TP và cả nước.
TP.HCM phải có kế hoạch để đầu tư hạ tầng, giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin và các hạ tầng cần thiết khác. TP cũng có kế hoạch chuyên đề đào tạo nguồn nhân lực cho trung tâm và các cơ chế giải quyết tranh chấp, vận hành.
Tạo luồng xanh cho nhà đầu tư chiến lược
* Như ông đã nói, việc cải cách thể chế rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư. Trong bối cảnh TP.HCM tinh gọn bộ máy thì cải cách thể chế như thế nào để đảm bảo công việc được vận hành ổn định?
- Khi chia sẻ vấn đề liên quan đến nghị quyết 98, có lần tôi nói không có luật, nghị quyết nào giải quyết được tất cả vướng mắc. Tuy nhiên cơ chế, chính sách phải đồng bộ. Vấn đề này tôi thấy lãnh đạo trung ương đã có chỉ đạo quyết liệt, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, muốn tạo ra đột phá thì phải cải cách thể chế. Cải cách thể chế được coi là đột phá của đột phá.
Vừa qua, trong dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, cải cách thể chế được đặt lên đầu và nhấn mạnh. Có thể tính đến việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Hiến pháp hay không và phải sửa đổi bao nhiêu luật. Khi rà soát sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Tư pháp cho biết có gần 200 luật phải sửa đổi. Riêng TP.HCM cũng có khoảng 286 văn bản của HĐND, UBND, chủ tịch các cấp phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.
TP.HCM đang nghiên cứu thực tiễn để kiến nghị với trung ương các cải cách về cơ chế, chính sách. Trong đó có thể đề xuất cải cách thể chế theo hướng doanh nghiệp, người dân được làm những gì mà luật không cấm. Tạo luồng xanh cho nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Vai trò của Nhà nước là quản lý những việc cần thiết, còn lại để thị trường và xã hội thực hiện. Như vậy sẽ nhanh hơn.
Đọc bài gốc tại đây.