TPHCM ghi nhận 287 ca bệnh tay chân miệng trong một tuần

17/04 19:37
 

TPHCM - Tình hình dịch bệnh tay chân miệng tại TPHCM trong tuần 15 tiếp tục gia tăng, với 287 ca mắc bệnh được ghi nhận, tăng 87% so với...

TPHCM - Tình hình dịch bệnh tay chân miệng tại TPHCM trong tuần 15 tiếp tục gia tăng, với 287 ca mắc bệnh được ghi nhận, tăng 87% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Chiều 17.4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) công bố thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM trong tuần 15 (ngày 8.4 đến ngày 14.4).

Trong tuần 15, TPHCM ghi nhận 136 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (tuần 14 trước đó ghi nhận 119 trường hợp mắc bệnh), tăng 7% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 15 là 2.585 ca.

Tuy nhiên, đáng chú ý là dịch bệnh tay chân miệng tăng khá cao, trong tuần 15, TPHCM ghi nhận có đến 287 trường hợp mắc bệnh (trong tuần 14 ghi nhận 184 trường hợp mắc bệnh), tăng 87% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận, huyện có số ca mắc bệnh cao bao gồm huyện Nhà Bè, Quận 6 và Quận 8. Tính tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 15 là 2.289 ca.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, bệnh tay chân miệng là một bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, và thường gia tăng trong giai đoạn từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12. Ăn uống sạch, ở sạch và bàn tay sạch là 3 biện pháp cần thực hiện để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ.

Ăn uống sạch: Thực hiện ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, đảm bảo vật dụng ăn uống sạch sẽ và không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa.

Ở sạch: Virus có thể tồn tại ở bề mặt đồ vật trong không gian sống. Vì vậy, cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Bàn tay sạch: Trẻ và người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Đọc bài gốc tại đây.