TPO - Nhu cầu đi lại để mua bán, vận chuyển hàng hóa dịp giáp Tết Nguyên đán tăng cao, hạ tầng giao thông quá tải,... là những nguyên nhân chính gây ùn ứ giao thông tại TPHCM trong những ngày gần đây.
Dòng phương tiện chen chúc ở khu vực nút giao thông Hàng Xanh (quận Bình Thạnh). Ảnh: Duy Anh |
Số vụ tai nạn giảm mạnh
Chiều 16/1, thông tin tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Thành Lợi - Phó Trưởng ban chuyên trách - Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM, cho biết, sau khi Nghị định 168 có hiệu lực thi hành, trong những ngày vừa qua, cơ quan chức năng ghi nhận những chuyển biến tích cực về ý thức tham gia giao thông của người dân. Tình trạng vi phạm lỗi thông thường, như: Chạy xe lên vỉa hè, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông... cùng các lỗi vi phạm thường gặp đã giảm đáng kể.
“Tình hình trật tự ATGT đã được cải thiện, số vụ tai nạn giao thông giảm rất sâu so với cùng kỳ. Cụ thể, từ ngày 1 đến ngày 14/1/2025, trên địa bàn TPHCM xảy ra 31 vụ tai nạn giao thông, làm 14 người chết, 16 người bị thương. So với thời gian liền kề, giảm 42 vụ tai nạn giao thông, giảm 1 người chết, giảm 40 người bị thương”, ông Lợi thông tin.
Ông Nguyễn Thành Lợi - Phó Trưởng ban chuyên trách - Ban An toàn giao thông TPHCM. Ảnh: Anh Nhàn |
Cũng theo đại diện Ban An toàn giao thông TPHCM, những ngày vừa qua, tình hình giao thông đi lại trên địa bàn thành phố có phần đông đúc, ùn ứ, ùn tắc phương tiện tại các tuyến đường huyết mạch và các điểm “nóng” giao thông ngoài cả khung giờ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do việc nâng chế tài đã nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, xe gắn máy không còn di chuyển trên vỉa hè.
Bên cạnh đó là do thời điểm giáp Tết, nhu cầu đi lại mua bán, vận chuyển hàng hóa tăng cao, hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, tiết diện mặt đường nhỏ, mật độ phương tiện lưu thông đông đúc... dẫn đến dòng phương tiện chờ khi đèn đỏ ở các nút giao thông kéo dài.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Lợi cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố đang quản lý hơn 10 triệu phương tiện cá nhân, trong đó có hơn 1 triệu xe ô tô, còn lại là xe gắn máy. Ngoài ra, lượng lớn phương tiện do người dân ở nơi khác đến TPHCM mưu sinh, cùng với đó là phương tiện vãng lai mang tính chất tạm thời ra vào thành phố trong ngày, dẫn đến năng lực đáp ứng của hạ tầng giao thông bị quá tải.
“Một số điều kiện kỹ thuật liên quan đến điều tiết giao thông chưa được cập nhật kịp thời cũng ảnh hưởng đến việc lưu thông, dẫn đến ùn tắc. Việc phối hợp trong xử lý các tình huống của lực lượng chức năng có lúc chưa kịp thời”, ông Lợi cho hay.
Những ngày gần đây, trung tâm TPHCM luôn đông đúc phương tiện và thường xảy ra ùn ứ trong giờ cao điểm. Ảnh: Hữu Huy |
Từ những lý do trên, đại diện Ban ATGT TPHCM cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo sở, ngành chuyên môn, rà soát, khảo sát, đánh giá xác định rõ nguyên nhân, khu vực, vị trí cần thiết để áp dụng ngay các biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để người dân chấp hành tốt quy định của pháp luật. Đồng thời, yêu cầu lực lượng chức năng triển khai xử lý ngay các bất cập trong hạ tầng và sự cố kỹ thuật.
“Thành phố chỉ đạo các lực lượng thanh niên xung phong, hội cựu chiến binh, bảo vệ dân phố… tham gia đảm bảo an toàn giao thông, điều tiết. Các địa phương rà soát các tuyến đường, tuyến hẻm để xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, đặc biệt là đối với các tuyến hẻm tăng năng lực thông hành giao thông, hỗ trợ giao thông cho các tuyến đường chính”- ông Nguyễn Thành Lợi cho hay.
Theo thông tin từ lực lượng chức năng, vừa qua, Sở GTVT TPHCM đã rà soát và áp dụng lắp đèn báo phụ cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ. Qua rà soát cho thấy có 534 giao lộ cần lắp đèn báo phụ, tính trung bình 1 giao lộ cần lắp khoảng 3 đèn, tương đương 1.602 đèn.
Sẽ lắp đặt 500 bộ đèn báo phụ
Thông tin thêm về tình hình ùn tắc giao thông những ngày gần đây, ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng Quản lý Khai thác Hạ tầng đường bộ (Sở GTVT TPHCM) cho biết, thời điểm cuối năm nên nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm tăng cao vì thế nhu cầu ra đường của người dân cũng tăng. Riêng khu vực trung tâm TPHCM ghi nhận tình hình lưu lượng xe cộ tăng hơn 11% so với thời điểm cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số tuyến đường ở trung tâm TPHCM cũng đang tổ chức lễ hội, cấm đường và hạn chế lưu thông ở một số tuyến đường nên có tình trạng đông đúc.
“Khi Nghị định 168 có hiệu lực thi hành, phương tiện đi lại ngăn nắp, trật tự, ít vi phạm, đồng thời kéo dài dòng chờ ở đèn tín hiệu. Dòng chờ dài nhưng không xảy ra ùn tắc”- ông Hải cho biết.
Ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng Quản lý Khai thác Hạ tầng đường bộ (Sở GTVT TPHCM). Ảnh: Anh Nhàn |
Về việc lắp đèn báo phụ cho phép xe hai bánh rẽ phải khi đèn đỏ, đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết việc lắp đặt được thực hiện ở các nút giao cần thiết. Đó là những khu vực phát sinh dòng chờ kéo dài, ít ảnh hưởng người đi bộ, và phải đảm bảo an toàn giao thông.
“Việc lắp đèn báo phụ phải được đánh giá, nghiên cứu kỹ vì phải đảm bảo an toàn giao thông và ít ảnh hưởng đến người đi bộ qua đường. Khi thống nhất được vị trí nào sẽ lắp ngay vị trí đó trên cơ sở vừa lắp, vừa theo dõi và đánh giá. Đến hết ngày 15/1, đã lắp được 301 bộ đèn tại 126 nút giao và phấn đấu đến ngày 19/1 sẽ lắp đặt khoảng 500 bộ đèn”- ông Hải cho biết.
Hiện nay, Sở GTVT TPHCM đã lắp đặt nhiều đèn báo phụ cho phép xe hai bánh rẽ phải khi đèn đỏ. |
Cũng theo đại diện Sở GTVT TPHCM, tại giao lộ có pha đèn đếm giây lùi sẽ được rà soát đề điều chỉnh phù hợp. Hiện nay có 200 bộ đèn tại các nút giao đã được chuyển điều khiển tự động về Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ. Sở GTVT đang thí điểm ứng dụng công nghệ AI trong điều tiết giao thông để xây dựng kịch bản và tối ưu kịch bản để điều khiển giao thông đồng bộ trên toàn hệ thống.
“Điều kiện hạ tầng trong bối cảnh số lượng phương tiện giao thông tăng hơn 7% mỗi năm, hệ thống hạ tầng chưa đủ đáp ứng thời gian tới. Do đó, cần đầu tư nâng cấp hạ tầng, ngoài ra phát triển giao thông công cộng kết hợp với hạn chế phương tiện cá nhân. Về giải pháp trước mắt, lực lượng chức năng tiếp tục theo dõi trên từng nút giao để điều chỉnh kịp thời và có phương án phối hợp qua các nhóm với Công an thành phố và các địa phương”- ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng phòng Quản lý Khai thác Hạ tầng đường bộ (Sở GTVT TPHCM) thông tin.
Đọc bài gốc tại đây.