Trải lòng của cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục vụ sách giả

14/01 18:34
 

Ông Nguyễn Đức Thái - cựu Chủ tịch Nhà Xuất bản Giáo dục - khai rằng, chính bản thân là người tố cáo sai phạm liên quan vụ 9,4 triệu cuốn sách giả.

Ông Nguyễn Đức Thái - cựu Chủ tịch Nhà Xuất bản Giáo dục - khai rằng, chính bản thân là người tố cáo sai phạm liên quan vụ 9,4 triệu cuốn sách giả.

Chiều 14.1, TAND Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi với 8 bị cáo trong vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB Giáo dục).

Theo cáo buộc, từ năm 2017, ông Thái được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), đại diện pháp luật NXB Giáo dục và bị cáo chỉ đạo chủ trương tổ chức mua sắm vật tư giấy in Sách Giáo khoa (SGK), sách bổ trợ năm học 2018-2019.

Ngày 15.8.2017, ông Thái ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ tư vấn triển khai lựa chọn đơn vị cung ứng vật tư năm 2018, để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện các gói thầu giấy in theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn, trái quy định của Luật Đấu thầu.

Theo cáo buộc của cơ quan công tố, ông Thái đã có hành vi nhận hối lộ của các nhà thầu là Công ty Phùng Vĩnh Hưng, Công ty Giấy Minh Cường Phát, tổng số tiền hơn 24 tỉ đồng.

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Thái trải lòng việc về nhậm chức tại NXB Giáo dục trong bối cảnh đặc biệt khi người tiền nhiệm xin nghỉ hưu trước tuổi; NXB đối diện với nhiều sóng gió khi nội bộ mất đoàn kết, NXB bị Cơ quan Công an kiểm tra, báo chí lên tiếng...

Thời điểm đó, bị cáo phải nhận trách nhiệm về việc triển khai bộ SGK lớp 1 đầu tiên theo chương trình mới. Nhận trọng trách này, bị cáo đã thực hiện đảm bảo đủ SGK cho học sinh cho năm 2018-2019.

Khi đó, lãnh đạo hai doanh nghiệp trên đến gặp trao đổi, xin được tham gia cung cấp giấy cho NXB Giáo dục. Quá trình gặp gỡ với chủ doanh nghiệp, dù bị cáo đồng ý về mặt chủ trương nhưng không đòi hỏi, yêu cầu doanh nghiệp phải chi tiền bồi dưỡng.

Bị cáo Thái khai, thời điểm đó chưa hề có kiến thức gì trong việc xuất bản SGK hay mua sắm vật tư, thậm chí không nắm được loại giấy nào dùng để in loại sách gì. Trong bối cảnh đó, khi có 2 doanh nghiệp tiếp cận, đặt vấn đề tiếp tục tham gia cung cấp giấy, bị cáo đã đồng ý.

Năm 2017, giá bột giấy tăng cao nhất trong 7 năm, phí vận chuyển cũng cao nên bị cáo mong muốn mua được giấy sớm để in sách. Vậy nên bị cáo đã lựa chọn phương thức rút gọn để không bị mua giấy giá cao.

Thời điểm đó, NXB Giáo dục bán sách với giá 179.000 đồng/bộ SGK; trong khi đối thủ cạnh tranh sản xuất SGK theo phương thức xã hội hóa thì bán với giá 199.000 đồng/bộ SGK, chênh lệch 11%.

Theo bị cáo Thái, việc mua giấy của 2 Công ty Phùng Vĩnh Hưng và Giấy Minh Cường Phát đã tạo hiệu quả in được SGK với giá thấp hơn so với công ty đối thủ.

Nói đến việc nhận hối lộ, bị cáo Thái cho hay, đã có đơn tự thú việc được chủ doanh nghiệp Công ty Phùng Vĩnh Hưng đưa hối lộ 20 tỉ đồng.

Bị cáo trước tòa cũng cho hay, khi còn đương chức, chính ông là người đã tố cáo hành vi sai phạm của các bị cáo trong vụ án 9,4 triệu quyển SGK giả liên quan bà trùm sách lậu Cao Thị Minh Thuận và cựu Cục Phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường (vụ án này, ông Trần Hùng bị TAND Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù, bà Thuận lĩnh 10 năm tù).

Theo hồ sơ, bà Thuận đã tổ chức sản xuất nhập kho hơn 9,4 triệu quyển SGK giả các loại của NXB Giáo dục Việt Nam và nhà xuất bản khác, với tổng trị giá sách theo bìa (hàng thật) là hơn 260 tỉ đồng. Thuận và đồng phạm đã tiêu thụ tổng số hơn 6,3 triệu quyển sách giả, tổng giá trị sách theo giá bìa là hơn 164 tỉ đồng.

Đọc bài gốc tại đây.