Hà Nội - Một trạm trộn bê tông nhựa asphalt xây dựng trái phép ven sông Hồng, gây bức xúc cho người dân.
Hà Nội - Một trạm trộn bê tông nhựa asphalt xây dựng trái phép ven sông Hồng, gây bức xúc cho người dân.
Trạm trộn bê tông nhựa sai phép nằm sát mép sông Hồng
Thời gian qua, khu vực bãi sông Hồng đoạn đi qua địa bàn giáp ranh giữa hai xã Chương Dương và Phú Xuyên, Hà Nội (trước là địa bàn xã Vạn Nhất, huyện Thường Tín cũ) xuất hiện công trình xây dựng trái phép trạm trộn bê tông nhựa asphalt, vị trí sát mép sông, của Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Xuân Trường 1906 (nằm trong hệ sinh thái của Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phong Cảnh).
Người dân sống tại khu vực này phản ánh, kể từ khi công trình trạm trộn mọc lên “thần tốc” tại bãi sông Hồng, cuộc sống của họ càng thêm đảo lộn.
Hàng ngày, hàng chục xe tải hạng nặng vận chuyển vật liệu rầm rập đi qua mặt đê sông Hồng rồi tiến vào khu vực trạm trộn Phong Cảnh, làm bụi bay mù mịt, tiếng ồn chát chúa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt.
Một người dân địa phương bức xúc: "Chúng tôi đã quá khổ sở vì các trạm trộn Phong Cảnh cũ, nay lại thêm một công trình không phép. Tiếng ồn, bụi, giao thông hỗn loạn từ trạm bê tông Phong Cảnh đã khiến người dân sống trong lo âu thì nay lại thêm một trạm trộn bê tông nhựa. Chúng tôi lo ngại các hoạt động từ công trình này sẽ gây mùi, ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của người dân".
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, trạm trộn bê tông nhựa asphalt này hiện đã cơ bản hoàn thành, nước sơn phủ còn mới, máy móc lắp đặt xong xuôi, nhưng chưa đi vào hoạt động vì chưa có điện...
Điều đáng nói là công trình này được triển khai nhanh chóng vào giai đoạn địa phương đang thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, khiến việc giám sát, xử lý trở nên khó khăn hơn.
Đáng nói, trạm trộn bê tông nhựa asphalt này lại được xây dựng ngay sát mép đê, không có bất kỳ giấy phép nào từ cơ quan quản lý đê điều.
Bên cạnh vấn đề pháp lý và an toàn thủy lợi, nhiều người dân tỏ ra lo ngại khi trạm trộn bê tông nhựa đi vào hoạt động sẽ có nguy cơ là nguồn gây ô nhiễm môi trường đáng báo động. Trạm trộn bê tông nhựa asphalt nếu đưa vào hoạt động sẽ thải ra lượng lớn bụi mịn, khí độc và nước thải có thể ảnh hưởng đến cả không khí, đất và nước ngầm.
Chưa kể, hàng chục xe trọng tải lớn hiện liên tục ra vào khu vực này cũng góp phần làm hư hỏng hệ thống đê, tạo áp lực lên nền đất và gia tăng nguy cơ sụt lún.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Phản hồi về vấn đề này, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Trưởng phòng Kinh tế xã Phú Xuyên, cho biết UBND huyện Thường Tín cũ đã có những quyết định xử phạt hành chính đối với cơ sở này với số tiền là 90 triệu đồng do xây dựng công trình tại bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng không có giấy phép quy định tại Khoản 3, Điều 26 Luật Đê điều, rất gần thời gian 1.7 (thời điểm sáp nhập).
Tuy nhiên, dù công trình xây dựng trên hành lang bảo vệ đê, kể cả bãi đê, ngoài đê thì cũng là vi phạm. Hiện nay hồ sơ sai phạm tại công trình này cũng đã được địa phương xác lập.
“Về vi phạm của trạm trộn bê tông nhựa asphalt Phong Cảnh, đến bây giờ, do địa bàn xã Phú Xuyên và xã Chương Dương chưa được bàn giao cụ thể về mốc địa giới hành chính, hồ sơ vi phạm của đơn vị này chúng tôi đã tiến hành kiểm tra. Nếu dấu mốc này được xác định rõ thì trách nhiệm sẽ thuộc về chúng tôi", ông Nguyễn Văn Hữu nói.
Cũng liên quan đến công trình sai phạm này, Chi Cục Thủy lợi và phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) cũng đã có văn bản đề nghị không cung cấp điện đối với công trình vi phạm hành lang thoát lũ đối với Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Xuân Trường 1906 tại xã Vạn Nhất, Thường Tín (cũ).
Theo Chi cục Thủy lợi và phòng, chống thiên tai, đơn vị này liên tục thực hiện các hành vi xây dựng công trình ở bãi sông khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định. Đây là những hành vi vi phạm nêu trên thể hiện sự coi thường, thách thức, bất chấp pháp luật của đối tượng vi phạm, gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều và khả năng thoát lũ của tuyến sông Hồng.
Khoản 3 Điều 26 Luật Đê điều quy định rằng các dự án xây dựng mới phải được triển khai cách bờ sông một khoảng cách nhất định nhằm đảm bảo sự thông thoáng của dòng chảy, phòng tránh nguy cơ sạt lở và phục vụ cho việc xây dựng đường ven sông, tạo cảnh quan môi trường.
Khoảng cách cụ thể này sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương. Quy định này nhằm bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, đảm bảo phát triển bền vững khu vực ven sông và giữ gìn cảnh quan sinh thái.
Đọc bài gốc tại đây.