Tình huống pháp lý vụ thất thoát 53 tỉ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ

23/04 10:30
 

Bắc Ninh - Luật sư phân tích vụ quỹ di tích ở làng Đồng Kỵ bị thất thoát hơn 53 tỉ đồng dưới góc nhìn pháp lý.

Bắc Ninh - Luật sư phân tích vụ quỹ di tích ở làng Đồng Kỵ bị thất thoát hơn 53 tỉ đồng dưới góc nhìn pháp lý.

Sáng 23.4, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, một lãnh đạo Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, trách nhiệm xử lý vụ thất thoát 53 tỉ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ thuộc về UBND Thành phố Từ Sơn.

Theo tìm hiểu của Lao Động, hiện, UBND Thành phố Từ Sơn đã giao Công an Thành phố và UBND phường Đồng Kỵ xác minh làm rõ trách nhiệm những người liên quan trong vụ việc.

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) - cho hay, theo quy định của pháp luật, hoạt động quyên góp của cơ sở tín ngưỡng phải có sổ sách thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch.

Tài sản được quyên góp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích đã thông báo, phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo và từ thiện xã hội.

"Nếu có vi phạm trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng thì tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm của đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự", Luật sư Lực nói.

Theo đó, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định: Người nào quản lý tài sản nhưng có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (Điểm đ, Khoản 2, Điều 15).

Đồng thời, cá nhân vi phạm có thể tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm và buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm.

Cũng theo Luật sư Lực, trong trường hợp tới mức phải xử lý hình sự, cơ quan chức năng có thể áp dụng theo Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Theo đó, trong trường hợp nếu người giao quản lý tài sản của cơ sở tín ngưỡng có hành vi tự ý sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng sai mục đích thì có thể bị xử lý về tội tham ô tài sản.

Cá nhân phạm tội có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đọc bài gốc tại đây.