VKSND Tối cao nêu nhiều vi phạm tố tụng trong điều tra, thi hành án

09/05 15:16
 

Trong 6 tháng, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã xử lý 71 công an, 11 cán bộ thi hành án và 6 vụ có công chức tòa án nhận hối lộ, làm sai lệch hồ sơ, lạm dụng chức vụ quyền hạn...

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo công tác gửi đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp 7. Theo đó, tháng 10/2023-3/2024, cơ quan điều tra các cấp và cơ sở giam giữ còn để xảy ra vi phạm pháp luật trong hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự, như vi phạm thời hạn điều tra; vi phạm pháp luật trong việc thu thập, bảo quản và xử lý vật chứng; vi phạm pháp luật trong việc chuyển tài liệu cho Viện kiểm sát...

Những cơ quan này còn vi phạm về việc gửi, tống đạt, thông báo lệnh, quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn; bố trí tạm giữ, tạm giam không đúng quy định; quản lý, tuần tra, canh gác, kiểm tra, lục soát còn chưa bảo đảm.

Trong giai đoạn này, hai trường hợp tạm giữ và 13 trường hợp tạm giam đã bỏ trốn; bốn trường hợp người tạm giữ và 10 trường hợp tạm giam chết do tự sát.

Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thụ lý, điều tra 33 vụ với 71 bị can nguyên là công an để xử lý về các tội: Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Giả mạo trong công tác; Dùng nhục hình; Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc...

Về hoạt động xét xử, báo cáo của VKSND Tối cáo chỉ ra một số tòa án còn để xảy ra một số vi phạm pháp luật trong việc thụ lý hoặc trả lại đơn khởi kiện, yêu cầu; nhiều bản án, quyết định có vi phạm, sai sót...

Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã thụ lý, điều tra 6 vụ có bị can là công chức ngành tòa án nghi Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc.

Trong hoạt động thi hành án, báo cáo nêu cơ quan công tác quản lý, thi hành án phạt tù còn sơ hở, thiếu sót để phạm nhân trốn, đánh nhau, chết do tự sát. 6 tháng qua, 11 bị can là công chức cơ quan thi hành án dân sự bị điều tra về các tội: Tham ô tài sản; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Viện trưởng Lê Minh Trí đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành phối hợp VKSND Tối cao nghiên cứu, xây dựng đề án cơ chế kiểm soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật và xem xét trách nhiệm trong trường hợp ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, ông Trí cũng đề nghị cần xem xét, làm rõ bất cập trong Bộ luật hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan thi hành án tử hình; tăng cường áp dụng biện pháp chuyển đổi từ hình phạt tử hình sang hình phạt tù, nhất là các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, xâm phạm sở hữu.

Đọc bài gốc tại đây.